Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2021)

Chất vấn và trả lời chất vấn - điểm nhấn ấn tượng trong hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp

Hiến pháp và pháp luật hiện hành quy định Quốc hội họp công khai, mỗi năm họp hai kỳ. Chính vì vậy, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm đến các kỳ họp Quốc hội, vì đây là thời gian Quốc hội tập trung thực hiện các chức năng cơ bản của mình: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, dù các hoạt động này vẫn được diễn ra suốt cả năm, được thể hiện trong các hoạt động của Ủy ban Thường vụ quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Ðại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến chất vấn tại hội trường (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV). Ảnh: Quang Khánh
Ðại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến chất vấn tại hội trường (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV). Ảnh: Quang Khánh

Chỉ trong kỳ họp Quốc hội, các dự án luật mới được thông qua, những vấn đề quan trọng mới được quyết định và hoạt động giám sát tối cao mới được bảo đảm bằng một giá trị pháp lý cao nhất. Một trong những hoạt động thể hiện tính công khai của kỳ họp Quốc hội chính là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tính chất công khai này được thể hiện cả về nội dung và hình thức: tất cả các vấn đề trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn, những vấn đề mà cử tri quan tâm, thậm chí là bức xúc đều là nội dung chất vấn bằng hình thức đối thoại, tranh luận, giải trình công khai và toàn bộ hoạt động chất vấn đều được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Chính vì lẽ đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã và đang trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, là sự mong đợi của cử tri, nhân dân và của chính các đại biểu Quốc hội tại mỗi kỳ họp. Thực tế là hoạt động chất vấn trong suốt các nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức hoạt động giám sát mà còn tương tác, bổ trợ cho các hoạt động giám sát khác cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chính vì tầm quan trọng của chất vấn tại kỳ họp cho nên một trong những vấn đề nan giải nhất của hoạt động này là lựa chọn chủ đề chất vấn và người được chất vấn tại mỗi kỳ họp. Mỗi năm chỉ có hai kỳ họp, mỗi kỳ họp lại rất nhiều nội dung, thời lượng dành cho chất vấn nhiều cũng không quá ba ngày, trong khi hàng chục cơ quan, hàng trăm vấn đề cốt lõi, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thì có tới vài nghìn ý kiến. Trong khi đó, ở các Quốc hội hoạt động thường xuyên, chất vấn diễn ra với tần suất lớn, các chủ đề và người được chất vấn cũng không được xác định trước. Vấn đề nan giải này của Quốc hội nước ta đã được chế định trong Luật Hoạt động giám sát, theo đó Quốc hội tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề tại mỗi kỳ họp, đồng thời tại kỳ họp của năm giữa và năm cuối mỗi khóa, Quốc hội tiến hành chất vấn tổng hợp, không theo chủ đề định trước. Trên thực tế, chế định này đã mang lại hiệu ứng tích cực. Nếu như chất vấn theo nhóm vấn đề cho phép Quốc hội tập trung vào những vấn đề, những lĩnh vực bức thiết và bảo đảm cân đối giữa lĩnh vực hoạt động trong điều kiện thời gian chất vấn hạn chế thì chất vấn tổng hợp lại cho phép Quốc hội giám sát ở tầm cao, bao quát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đồng thời giám sát lại việc thực hiện các cam kết từ các lần chất vấn trước. Tuy nhiên, cuộc sống sôi động và thực tế hoạt động của Quốc hội vẫn đòi hỏi sự tiếp tục đổi mới để giải quyết vấn đề nan giải này. Một trong những hướng đi cần được xem xét đó là tăng hoạt động chất vấn và giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội ngay tại kỳ họp. Nếu mỗi cơ quan của Quốc hội dành một ngày cho hoạt động này thì Quốc hội thực tế sẽ có thêm 10 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhất là có điều kiện đi sâu, tập trung vào những lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc và các ủy ban phụ trách. Theo hướng này, Quốc hội có thể thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn những lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm như quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, ít đại biểu chất vấn trong phiên họp toàn thể, nhưng các vị trưởng ngành lại có nhu cầu được giải trình.

Từ tầm quan trọng và vấn đề nan giải trong lựa chọn chủ đề chất vấn tại kỳ họp cho nên một trong những yếu tố then chốt làm nên hiệu quả của hoạt động này là vai trò của người điều hành. Không phải ngẫu nhiên mà vai trò này do Chủ tịch Quốc hội trực tiếp đảm nhiệm. Người điều hành đương nhiên không thể theo cách thức hành chính và phải tuân thủ theo quy trình thủ tục được quy định trong nội quy kỳ họp, nhưng lại phải biết dẫn dắt hoạt động chất vấn đi đúng quỹ đạo theo những nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, cân bằng thời gian hỏi và trả lời để bảo đảm đúng trọng tâm lại có thể tạo không khí tranh luận, đi đến cùng vấn đề. Luật Hoạt động giám sát cũng có quy định để người điều hành có thể quyết định những nội dung chất vấn nào được trả lời bằng văn bản. Thực tế các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội vừa qua đã cho thấy vai trò của người điều hành. Khoa học và mềm dẻo, kiên quyết và cân bằng là những điều có thể nhận thấy ở người điều hành và điều đó đã làm nên sự sinh động, hiệu ứng tích cực và hiệu quả của các phiên chất vấn.

Ấn tượng của các phiên chất vấn để lại trong lòng cử tri đến từ chính những câu hỏi, phong thái, bản lĩnh, trí tuệ của đại biểu Quốc hội. Ðiều này quả thực là không dễ dàng đối với nhiều đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội không chuyên trách, ít nhiều chịu ảnh hưởng của quan điểm ngành, địa phương nơi mình công tác. Tuy nhiên, nếu nắm chắc bản chất và yêu cầu của hoạt động chất vấn và nhất là có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia và bộ máy giúp việc thì đại biểu vẫn đưa ra những chất vấn đúng trọng tâm, sắc sảo, thậm chí gai góc, không chỉ được cử tri đánh giá cao mà người bị chất vấn cũng "tâm phục, khẩu phục".

Cuối mỗi phiên chất vấn tại kỳ họp là một nghị quyết được Quốc hội thông qua. Ðây chính là một hình thức pháp lý xác thực hiệu lực thật sự của hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, cần hết sức cân nhắc khi đưa những nội dung mang tính chính sách vào nghị quyết, vì một chính sách đưa ra phải tuân thủ một quy trình nhất định, thay vào đó, nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của người được chất vấn và tạo cơ sở cho việc Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát sau chất vấn.

Lê Bộ Lĩnh

Nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội