Xóa "cầu khỉ" trên cù lao Tân Phong

Cho tới năm 1993, trên cù lao Tân Phong hầu như chưa có xe đạp, vì "ra ngõ gặp cầu khỉ". Vậy mà ngày nay, cây cầu khỉ cuối cùng ở Tân Phong sắp được thay bằng cầu bê-tông. Người có công lớn nhất xóa "cầu khỉ" ở Tân Phong là lão công nhân Lê Văn Hai. Ròng rã 15 năm, ông đã trực tiếp góp phần "bê-tông hóa" gần 50 "cầu khỉ", do tự tay ông thiết kế, thi công, lo tìm nguồn kinh phí...

Từ quốc lộ 1A ở km 2004 rẽ vào gần 10 km là đến thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), đi tiếp vài cây số là đến bờ sông Tiền với bến phà Tân Phong. Trong lúc chờ phà, tôi hỏi thăm về "ông Hai làm cầu" ở bên kia cù lao. Hầu như ai cũng biết về ông, họ vanh vách hướng dẫn đường đến nhà ông: "Qua phà, đi một đỗi quẹo trái... rồi quẹo phải... một đỗi lại quẹo trái... tới chỗ có cây đa là nhà ông Hai". Theo chỉ dẫn, tôi đã tìm đến chỗ có cây đa, thuộc ấp Tân Bường A, chỉ có điều "một đỗi" của bà con trên thực tế là cả chục cây số.

Nhà của ông Hai chắc chắn, kín đáo, nhưng không có gì là bề thế như tôi tưởng. Quanh nhà là vườn nhãn cổ thụ được chăm sóc kỹ, cây trĩu quả, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông, giúp ông có điều kiện đi làm "công nhân cầu đường". Tôi đến nhà ông Hai lúc gần 12 giờ trưa. Người con ông chỉ tay theo con đường dài hút mắt lấp lóa dưới nắng: "Ổng đang bắc cầu, buổi trưa ở lại công trình, chiều mới về". Tôi đi tiếp khoảng 3 km là đến công trình làm cầu thuộc ấp Tân Thái. Dù đã trưa, nhưng bốn người thợ và ông Hai vẫn miệt mài với công việc, chưa thấy dấu hiệu chuẩn bị dừng tay. Cây cầu dài 13,5 m, rộng 1,5 m, đã xong phần trụ và khung, đang chuẩn bị đổ bê-tông mặt cầu. Những người thợ trải thép, đóng cốp-pha, còn ông Hai ngồi buộc và kiểm tra từng sợi thép, rồi lật sổ ghi chép... Tôi nói ý định tìm viết về ông, ông phủi tay cái bốp, cười khà: "Chuyện bắc cầu cũng viết báo hả"? Ông đưa tôi vào ngôi nhà kề bên công trình, nơi vừa để vật tư, vừa là chỗ "ban quản lý" làm việc, cơm nước... Chủ nhà, dì Trần Thị Sương, nói:

- Kêu nghỉ tay ăn cơm nãy giờ mà ổng chưa chịu.

Ông Hai vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn so với tuổi 82 của mình. Ông đã gắn bó với cù lao Tân Phong gần hết cuộc đời, nếm trải bao khó nhọc của vùng sông nước chằng chịt. Ðến những năm 90 của thế kỷ 20, điều kiện đi lại ở đây còn rất khó khăn, đường đất, cầu khỉ chênh vênh. Mùa nắng còn đỡ, chứ đến mùa mưa thì cực khổ trăm bề. Không ít những tai nạn thương tâm đã xảy ra với các cháu nhỏ khi chúng đến trường qua những cây cầu khỉ lắt lẻo. Ông Hai kể về việc mình đến với nghề "công nhân cầu đường": "Thấy tụi nhỏ đi học qua cầu khỉ nguy hiểm nên xót ruột, tui bỏ tiền ra làm cầu. Làm một cây thấy được, làm tiếp cây khác, làm riết đâm nghiện". Biết chút ít nghề hồ, cùng sự trợ giúp của nguyên Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hùng Sơn đã về hưu, ông Hai đã bỏ công sức, tiền của bê-tông hóa những cây cầu khỉ đầu tiên trên cù lao.

Sau vài cây cầu đầu tiên ông bỏ vốn ra làm toàn bộ, ông Hai tính đến chuyện xóa hết cầu khỉ, rồi bê-tông hóa đường trong ấp. Muốn làm được "chuyện lớn" đó, ông nghĩ cần có nhiều người, điều mà sau này ông rất thích thú với cách nói "xã hội hóa". Trước tiên ông vận động "xã hội hóa" trong gia đình bằng việc động viên các con đóng góp 30 triệu đồng, rồi vận động một số nguồn đóng góp khác để làm cùng lúc ba cây cầu. Có Việt kiều về thăm nhà ở ấp Tân Thái, ông đến vận động, họ đóng góp 4 triệu đồng, ông góp thêm, rồi kêu gọi nhiều người ủng hộ, bắc được cùng lúc hai cây cầu. Về sau này, khi có chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", việc làm cầu thuận lợi hơn.

Cây cầu do ông Lê Văn Hai xây dựng.

Cứ mỗi cây cầu, Nhà nước chi "vốn đối ứng" 10 triệu đồng, còn lại là người dân đóng góp. Công việc không đơn giản, vì phần lớn người dân trong xã còn nghèo, nhiều nhà cơm còn chẳng đủ ăn, lấy tiền đâu đóng góp. Vì vậy, phần vốn đóng góp của nhân dân bao giờ cũng xuất phát từ ông Hai, ông ứng tiền làm trước rồi vận động bà con tham gia, thiếu bao nhiêu ông bù. Cho đến nay, người dân ở đây vẫn nhắc đến ông cùng cây cầu Ruột Ngựa.

Theo tính toán, kinh phí làm cầu lên đến 26 triệu đồng, trong khi nguồn hỗ trợ của UBND xã và bà con đóng góp chỉ được 14 triệu đồng. Khoản thiếu hụt quá lớn, nhiều người khuyên ông chờ vận động thêm, nhưng ông nhất quyết phải hoàn thành đúng tiến độ. Ông nói với cánh thợ: "Hụt bao nhiêu "qua" (tôi) lo, miễn là các cháu hoàn thành công trình với chất lượng thật tốt". Chỉ tính trong năm 2008, ông đã bắc năm cây cầu. Tính từ năm 2005, số cầu lớn (ngang 1,7 m hoặc 2,2 m) hoàn thành dưới bàn tay của ông là 13 chiếc. Bắc cầu đến đâu, ông vận động bà con góp tiền làm đường đến đó. Cả một khu vực rộng thuộc các ấp Tân Bường A, Tân Thái, Tân Luông A một thời "đường đất, cầu khỉ" nay chỉ còn vài cây cầu cuối cùng, các đường liên ấp đều đã được bê-tông hóa. Dì Nguyễn Thị Sương cho biết, dì đã "xí phần" một cây cầu bằng cách vận động các con dì (đi làm ăn xa) góp kinh phí cùng làm. Dì nói:

- Ngày mai tui đi gặp các con bàn, sợ trễ ông Hai làm hết, không còn phần cho gia đình tui.

Thế nhưng, xã Tân Phong sẽ không bao giờ hết cầu khỉ, vì ông Hai dự định sẽ giữ lại một cây (trên con đường nhỏ vào vườn nhãn của ông), vừa để cho con cháu sau này hình dung được cảnh cầu khỉ, vừa để khách du lịch nước ngoài đến đây có chỗ chụp hình lưu niệm. Tính đến hết năm 2008, tổng số cầu bê-tông do người công nhân già Lê Văn Hai trực tiếp xây dựng đã lên đến gần 50 chiếc với tổng giá trị hơn một tỷ đồng.

Cả xã Tân Phong, ấp nào cũng có các cây cầu bê-tông do ông Hai xây dựng. Quy trình để xây dựng một cây cầu được ông thực hiện như sau: Làm thiết kế, bảng chiết tính, thông qua UBND xã duyệt. Sau khi trừ chi phí do UBND xã hỗ trợ, phần còn lại ông bỏ tiền túi ra góp vào, sau đó vận động "được bao nhiêu hay bấy nhiêu". Có những cây cầu phần tiền hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn nằm trên kế hoạch, ông đã ứng tiền túi của mình ra để hoàn thành cho "kịp năm học mới, tụi nhỏ đến trường" hoặc kịp đón tết, sau đó mới tiến hành vận động và chờ tiền "đối ứng" của xã. Rồi ông ngày đêm bám sát công trình, vừa để đốc thúc tinh thần, phụ một tay với thợ, vừa giám sát chất lượng thi công. Với cách làm của ông, không mất tiền thiết kế, không chi phí quản lý, vật liệu xây dựng mua tận gốc, hao hụt bằng không, công thợ được phát huy tối đa, bà con theo gương ông đi phụ hồ không công..., chi phí công trình thường chỉ bằng 60 - 70% so với giao thầu.

Cây cầu ấp Tân Thái ông đang làm với kinh phí 16 triệu đồng, trong khi giá dự thầu lên đến 24 triệu đồng. Với cách làm ấy, các nhà thầu trong vùng khó mà chen vào các công trình cầu nhỏ ở Tân Phong. Theo quy định của địa phương, với những cây cầu lớn (vốn đối ứng của Nhà nước hơn 10 triệu đồng) thì phải tổ chức đấu thầu. Cây cầu Chợ, ông tính chi phí chỉ 45 triệu đồng, nhưng khi giao thầu 70 triệu đồng, làm xong không đạt chất lượng, phải sửa.

"Sự nhiệt tình của bà con mới đáng khen, công của tui chỉ là vận động được người dân tham gia" - ông Hai khiêm tốn nói. Lúc đầu ông kêu góp tiền nhiều người còn ngần ngại, vì sợ "hổng biết làm được không". Sau đó thấy không góp tiền mà cũng có cầu, đi lại tiện lợi, nên bà con tự giác hưởng ứng. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Kiều Mạnh Quân, cho biết:

- Thấy lợi ích của việc xây dựng cầu giao thông mà chú Hai đề xuất, lãnh đạo xã đã ủng hộ. Các cây cầu do chú Hai đứng ra làm đều nhanh, đạt chất lượng tốt, nên người dân tin tưởng ủng hộ hết mình.

Chẳng bao lâu nữa, cảnh "cầu khỉ cheo leo" chỉ còn là kỷ niệm ở Tân Phong. Liệu ông Hai rồi sẽ bị "thất nghiệp"? Ông nói: "Chỉ sợ không còn sức để làm, chứ chuyện cầu đường thì muôn thuở". Ông cho biết, phà qua cù lao Tân Phong đã chở được xe ô-tô, mà nhiều cây cầu và đoạn đường làm giai đoạn đầu quá hẹp nên xe ô-tô không chạy được. Ông dự tính sẽ "nới rộng" chỗ hẹp đó để xe ô-tô chạy bon bon qua cù lao, lúc đó có nhắm mắt theo ông theo bà, ông cũng mãn nguyện.

Trên đường trở về, qua phà Tân Phong, tôi thấy mấy chiếc xe ô-tô đời mới đậu bên kia bến phà. Chắc là ai đó về thăm gia đình bên phía cù lao. Không biết họ có nghĩ tới chuyện rồi xe của họ sẽ qua phà chạy khắp cù lao, điều mà người "công nhân cầu đường" Lê Văn Hai đang dự tính trong đầu.

     NGUYỄN PHẤN ÐẤU