Ngô Ðình Mẫn - một trong những người cộng sản đầu tiên của Ðảng

NDO - Vào những ngày cuối đông giá rét vừa qua, chúng tôi có dịp lên Sơn La, thăm Di tích lịch sử cách mạng - Nhà tù Sơn La, cùng các địa danh nổi tiếng một thời như nghĩa trang Cây ổi, Cây đa Bản Hẹo... Một thành phố Sơn La tươi mới, đầy sức sống với những phố núi uốn lượn, hiền hòa hôm nay, vẫn ôm ấp, nâng niu trong lòng di tích lịch sử oai hùng, với những tấm gương kiên trung, bất khuất của các nhà cách mạng thời kỳ dựng Ðảng, dựng nước nửa đầu thế kỷ trước.

Nhà tù Sơn La là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, nằm trên đồi Khau Cả thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Nhà tù này do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1908, nhưng đến năm 1930, khi Ðảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3-2), trước phong trào cách mạng đang lên cao, chúng bắt đầu đưa tù chính trị, những nhà cách mạng cộng sản lên đây. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến 1945, chúng đã đày lên nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong đó có nhiều đồng chí tiền bối cách mạng, là Trung ương ủy viên, Xứ ủy, Thành ủy, nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của Ðảng. Bởi vậy, nhà tù Sơn La đã trở thành trung tâm giam cầm, đầy ải những chiến sĩ cộng sản và người Việt Nam yêu nước. Chính tại nơi đầy sự chết chóc này, hơn bao giờ hết khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản đã tỏa sáng, biến nơi đây thành trường học cách mạng vĩ đại, rèn luyện và bổ sung cho Ðảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ xuất sắc sau này như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Trần Ðăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Lê Ðức Thọ, Nguyễn Văn Trân... Chi bộ Ðảng đầu tiên ở nhà tù Sơn La (thành lập tháng 2-1940) do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đến tháng 5-1940, đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư.

Tuy nhiên, khí hậu, chế độ tù đày cực kỳ khắc nghiệt và bệnh tật hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của Ðảng. Trong giai đoạn khốc liệt nhất ở đây, từ năm 1930-1936, hàng trăm chiến sĩ Cộng sản đã bị giết hại và gửi xác tại nghĩa địa Gốc ổi. Ðây là sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ nhưng vô cùng anh dũng, bất khuất của các vị tiền bối khi cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước. Người đứng đầu danh sách các liệt sĩ còn được biết đến, còn được ghi danh trên bia mộ ở đây là chiến sĩ cách mạng tiền bối Ngô Ðình Mẫn, hy sinh năm 1933 tại nhà tù Sơn La. Ông là một tấm gương sáng về tinh thần anh dũng, bất khuất, một chiến sĩ cộng sản tuyệt đối trung thành với Ðảng, với cách mạng, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của ông còn được ít người biết đến.

Ngô Ðình Mẫn sinh năm 1905, quê ở La Khê Tây, xã La Khê, huyện Hoài Ðức, tỉnh Hà Ðông (theo tài liệu Sở Mật thám Pháp - 1930), nay là xã Văn Khê, Hà Ðông, Hà Nội. Vốn là một thanh niên thông minh, có chí tiến thủ, sau khi tốt nghiệp Sơ học yếu lược, Ngô Ðình Mẫn vào học Trường Kỹ nghệ thực hành, nơi đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Trong thời gian này, Ngô Ðình Mẫn sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các hoạt động yêu nước như để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, bãi khóa đấu tranh đòi thả nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu. Tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành, Ngô Ðình Mẫn vào làm tại phòng can in kỹ thuật Hãng sửa chữa ô-tô A-vi-át ở phố Ngô Quyền, Hà Nội (sau này là nhà máy ô-tô Ngô Gia Tự). Tại đây, với phong trào công nhân đang phát triển, với nhiệt tình cách mạng, lại được giác ngộ qua báo chí tiến bộ, qua các đồng chí Nguyễn Tạo, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) dìu dắt, năm 1926, Ngô Ðình Mẫn gia nhập Ðảng Tân Việt-tức Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội, sinh hoạt liên tỉnh bộ Hà Nội-Hà Ðông với Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Quang Trọng... Ngô Ðình Mẫn là một thanh niên tích cực, xông xáo, có nhiều đóng góp nên năm 1929 được tín nhiệm bầu vào ban lãnh đạo kỳ bộ Bắc Kỳ của Ðảng Tân Việt. Phong trào cách mạng lúc ấy lên cao, đòi hỏi phải sớm thống nhất lực lượng toàn quốc, theo lời hiệu triệu của Nguyễn Ái Quốc, tháng 12-1929, tám đại biểu của ba kỳ đã tiến hành họp để thành lập Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Ông Ngô Ðình Mẫn là đại biểu duy nhất của Xứ bộ Tân Việt Bắc Kỳ đi dự hội nghị tại nhà ông Nguyễn Xuân Thanh ở Ðức Thọ, Hà Tĩnh. Do địa điểm họp bị lộ, phải di chuyển đến địa điểm khác, không may, tại bến đò Trai các đại biểu bị địch bắt. Sau gần hai tháng giam giữ, tra hỏi, do không có chứng cứ gì nên tên Công sứ La-ca-rét buộc phải thả bảy người. Chính thời gian này, Sở Mật thám đã lập hồ sơ riêng theo dõi Ngô Ðình Mẫn. Trong đó có ghi rõ: 'Ðảng viên quan trọng của Ðảng Cộng sản An Nam'; 'Cá nhân cực kỳ nguy hiểm' và ảnh chụp Ngô Ðình Mẫn trong hồ sơ đề ngày 5-1-1930. (Tài liệu lưu giữ tại Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam).

Sau ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), ông Ngô Ðình Mẫn tiếp tục là Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Khi ấy, phong trào Bình Dân ở Pháp thắng lợi, Trung ương Ðảng bố trí ông Mẫn làm thủy thủ trên một tàu biển đi Pháp để mở đường liên lạc với Ðảng Cộng sản Pháp, nhưng sau tàu này chuyển hướng chạy Hải Phòng-Mỹ, nên Ngô Ðình Mẫn lại rời tàu về hoạt động công tác tài chính và chỉ đạo phong trào ở Hải Phòng. Cuối năm 1930, Xứ ủy chuyển xuống Hải Phòng, chủ trương tổ chức Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1931) rầm rộ để đẩy mạnh phong trào của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành phố Cảng, ông Ngô Ðình Mẫn là người hăng hái hoạt động và trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Do có sự phản bội nên địch bố trí một lực lượng lớn từ Hà Nội xuống cùng với mật thám Hải Phòng tổ chức vây ráp, bắt bớ và đã bắt được Ngô Ðình Mẫn cùng nhiều đồng chí khác đưa về Hà Nội. Liên tục tra tấn, xét hỏi trong mấy tháng trời, nhưng địch không khai thác được gì ở Ngô Ðình Mẫn. Chúng phải thú nhận qua báo chí là ông rất gan lỳ, không chịu khai, trừ việc nhận mình hoạt động cho Ðảng Cộng sản. Tháng 10-1931, địch buộc phải mở phiên tòa Hội đồng đề hình tại Trụ sở Tòa án Hà Nội để xử, hòng trấn áp phong trào cách mạng. Ðặc biệt, chúng muốn xét xử công khai để vu cáo hoạt động của Ðảng, tập trung vào việc cố ghép cho Ngô Ðình Mẫn - nhân vật trọng yếu nhất của phiên tòa vào tội tống tiền, cướp của, giết người.

Thông tin về phiên tòa được các báo địch đăng tít lớn, chạy suốt nhiều cột trang nhất và mô tả về Ngô Ðình Mẫn: '... người dong dỏng cao, nước da trắng trẻo, râu quai nón, hai mắt sáng, biệt hiệu là Mẫn 'tây lai', để phân biệt với Nguyễn Hoàng Tôn, tức Phạm Hữu Mẫn cũng bị xử trong vụ án này (báo Thực nghiệp dân báo, 20-10-1931). Tòa án thực dân đã vu cáo Ngô Ðình Mẫn chủ mưu một số vụ án hình sự ở Hà Nội, Hải Phòng mà không nói gì đến hoạt động chống đối chế độ, in truyền đơn, chuẩn bị mít-tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động. Hội đồng xét xử đã xử riêng Ngô Ðình Mẫn vào ngày 17-10, nhưng với phong cách trình bày dõng dạc, luận điểm đanh thép, ông và các đồng chí đã phá tan âm mưu của địch bôi xấu Ðảng Cộng sản, một mặt dũng cảm nhận mình hoạt động cho Ðảng nhằm đánh đổ chế độ thuộc địa, áp bức, một mặt vạch rõ sự vu cáo của địch.

Không thể khuất phục được người Cộng sản kiên cường ấy, cũng không thể bôi nhọ được chân lý sáng ngời của Ðảng Cộng sản Việt Nam, phiên tòa đề hình phải hoãn tuyên án từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối 17-10-1931 để bàn riêng, rồi tuyên án: Ngô Ðình Mẫn cùng năm đồng chí khác án khổ sai chung thân... Ngay cuối năm đó, địch đày ông Ngô Ðình Mẫn cùng 90 người lên nhà tù Sơn La. Tại đây, Ngô Ðình Mẫn tiếp tục phát huy khí phách người cộng sản, tham gia đẩy mạnh các hoạt động trong tù. Với trình độ chính trị và kinh nghiệm đấu tranh tích lũy được, Ngô Ðình Mẫn đã truyền đạt cho các đồng chí trong tù và được mọi người rất quý trọng...

Do chế độ nhà tù quá khắc nghiệt, do bọn địch cố tình đày ải, làm hại nên mặc dù đang độ tuổi thanh niên, vóc người cao lớn, ông Ngô Ðình Mẫn đã hy sinh trong nhà tù Sơn La năm 1933. Ngay tại nhà tù Sơn La, cạnh cây đào và bia mộ đồng chí Tô Hiệu, trên bia lớn ghi danh sách các liệt sĩ tại nhà tù, họ tên Ngô Ðình Mẫn, quê La Khê, Hà Ðông được ghi đầu tiên.

Năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 144-CT/KT công nhận Ngô Ðình Mẫn là chiến sĩ tiền bối cách mạng.

Tại nhà thờ họ Ngô ở La Khê, từ lâu đã có ảnh và bàn thờ riêng để các dịp xuân tế, giỗ họ hằng năm, con cháu dâng hương tưởng nhớ và noi theo tấm gương liệt sĩ Ngô Ðình Mẫn, một trong những người cộng sản đầu tiên của Ðảng ta.