Chào mừng đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII

Một trí thức trẻ ham mê nghiên cứu khoa học và hoạt động Ðoàn

NDO - Hơn mười năm công tác, Tiến sĩ trẻ Bùi Trường Giang đã hoàn thành hàng chục dự án, đề án nghiên cứu về xu hướng phát triển kinh tế thế giới và Việt Nam, đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Anh là một gương mặt tiêu biểu, đại diện cho giới trí thức trẻ của Thủ đô tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Chúng tôi gặp Bùi Trường Giang vào cuối giờ làm việc một chiều đông. Tiến sĩ Bùi Trường Giang năm nay 35 tuổi, hiện là Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam).  Khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười tươi, cặp mắt thông minh, ẩn chứa sự tự tin của anh gây thiện cảm ngay với những người lần đầu tiếp xúc. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc khoa Kinh tế đối ngoại Trường đại học Ngoại thương và Khoa tiếng Anh Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, bỏ qua rất nhiều lời mời của các tổ chức nước ngoài, Giang quyết định thi vào Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Trúng tuyển, anh được nhận vào làm nghiên cứu viên tại Phòng các nền kinh tế phát triển, với những công việc như dịch và tóm lược tài liệu, viết chuyên đề. Trong thời gian làm việc tại đây, anh có cơ hội tiếp xúc  nhiều chuyên gia, nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước để học hỏi tri thức, kinh nghiệm. Sau thời gian đầu làm quen công việc, Giang nhập cuộc rất nhanh, chẳng bao lâu sau, anh được giao thực hiện chuyên đề nghiên cứu cấp Nhà nước với tiêu đề 'Liên minh chiến lược của các tập đoàn xuyên quốc gia'.

Năm 2002, Giang thi đỗ học bổng Thạc sĩ Chính sách công tại Trường Quản lý và Chính sách công (Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI), chuyên ngành Chính sách thương mại - công nghiệp và Quan hệ quốc tế-kinh tế chính trị quốc tế. Sau những tháng ngày nỗ lực nơi xa xứ, chàng trai trẻ đến từ Việt Nam đoạt giải thưởng luận văn xuất sắc nhất chuyên ngành chính sách công của trường. Về nước, Giang được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu An ninh và Chiến lược quốc tế (CISS), thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Bắt đầu từ giai đoạn này, Giang tập trung nghiên cứu các vấn đề như xu hướng phát triển kinh tế thế giới; khủng hoảng kinh tế thế giới, khu vực và chiều hướng tác động tới Việt Nam; quan hệ kinh tế quốc tế, khu vực và quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam... Anh đã thực hiện một số đề tài khoa học cấp Nhà nước như 'Luận cứ và giải pháp phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2011-2020', đề án 'Kinh tế hóa tài nguyên môi trường'... Tham gia thiết kế chương trình nghiên cứu cấp bộ giai đoạn 2011-2012 của Viện Kinh tế Việt Nam về 'Một số vấn đề cơ bản của tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam...'; thiết kế Ðề tài nghiên cứu Quỹ NAFOSTED về 'Tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững'; tham gia tổ chức một số hội thảo quốc tế, quốc gia về 'Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2010 và triển vọng 2011'; 'Quản trị Công', 'Chính sách công nghiệp và phát triển Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam' (JICA)...  Cho đến nay, anh đã tham gia viết chuyên đề nghiên cứu cho hơn mười đề tài cấp Nhà nước và hơn 20 đề tài nghiên cứu cấp bộ; hơn 30 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; hơn mười cuốn sách được xuất bản trong và ngoài nước... Trong thời gian này, Giang hoàn thành chương trình tiến sĩ kinh tế với luận án về 'Xu hướng hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) ở Ðông Á'. Kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài của anh nhìn chung đều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, anh còn thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt được Nhà nước, Chính phủ giao, như Trưởng nhóm nghiên cứu Việt Nam trong Nhóm chuyên gia khu vực về sáng kiến đối tác kinh tế toàn diện Ðông Á (CEPEA, 2007 - 2009), thành viên Nhóm nghiên cứu khu vực về Khu vực Thương mại Tự do ASEAN+3; thành viên, kiêm thư ký Nhóm tư vấn cấp cao 'Rà soát thể chế thực thi các Chương trình Hành động thực hiện cam kết gia nhập WTO'; thành viên Nhóm nghiên cứu khả thi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (2010)... Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ thành viên và điều phối viên Nhóm nghiên cứu đặc biệt về Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và ứng phó chính sách của Việt Nam tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Anh cũng tham gia tích cực các hội thảo quốc tế và là tác giả của một số công trình khoa học đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế và khu vực uy tín.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Giang còn hăng hái tham gia công tác Ðoàn. Là Bí thư Ðoàn ở một đơn vị lớn, có gần 600 đoàn viên, thanh niên, phần lớn là trí thức trẻ, điều Giang băn khoăn nhất là làm thế nào để các nghiên cứu viên trẻ được tham gia sớm hơn, sâu hơn vào các đề tài nghiên cứu khoa học. Một mặt, Giang kiên trì thuyết phục lãnh đạo giao cho đội ngũ cán bộ trẻ đảm nhiệm các công trình nghiên cứu độc lập, mặt khác anh tìm những giải pháp thúc đẩy niềm ham mê nghiên cứu khoa học, sự tìm tòi học hỏi không ngừng bổ sung kiến thức của các bạn trẻ. Anh cùng BCH các chi đoàn tổ chức nhiều hội thảo như: văn hoá truyền thống trong hội nhập phát triển, bối cảnh kinh tế chính trị Ðông-Nam Á và chiến lược các nước lớn..., vừa để mọi người giao lưu, kết nối nhau, vừa giúp mỗi đoàn viên có cơ hội thực hành kỹ năng tổ chức nghiên cứu khoa học. Sự năng động, tự tin của lớp thanh niên trí thức trẻ đã thuyết phục các đồng chí lãnh đạo viện mạnh dạn giao dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cho các bạn. Từ năm 2007 đến nay, đã có 50 thạc sĩ trẻ của viện được giao làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ. Cuối năm 2010, đã có mười đề tài được bảo vệ, nghiệm thu, đạt kết quả xếp loại khá trở lên.

Với những thành tích nêu trên, năm 2009, Bùi Trường Giang là một trong mười Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam được Trung ương Ðoàn  tuyên dương; Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô được biểu dương tại Ðại hội Tài năng trẻ lần thứ nhất. Lần này, anh được vinh dự là một gương mặt tiêu biểu, đại diện cho giới trí thức trẻ của Thủ đô Hà Nội tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.