TP Hồ Chí Minh thay đổi tư duy trong đầu tư phát triển hạ tầng (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Ðổi mới tư duy để phát triển

TP Hồ Chí Minh đã nhận diện đúng, trúng những nguyên nhân khiến việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm còn hạn chế. Ðể thực hiện đạt hiệu quả, bên cạnh sự quyết tâm triển khai các giải pháp đổi mới tư duy, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, thì sự hỗ trợ của Trung ương có ý nghĩa quan trọng, tạo "bệ đỡ" nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng trên địa bàn một cách ổn định, hiện đại và bền vững.

Ðường Nguyễn Tất Thành (quận 4) cần được đầu tư mở rộng. Ảnh: MINH TÚ
Ðường Nguyễn Tất Thành (quận 4) cần được đầu tư mở rộng. Ảnh: MINH TÚ

Thay đổi chính sách thu hút đầu tư

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư được TP Hồ Chí Minh rất quan tâm. Tuy nhiên, khi thực hiện, thành phố lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như quỹ đất sạch dành cho thu hút đầu tư không còn nhiều. Các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao hầu như đã lấp đầy. Một số địa điểm còn đất trống lại có chi phí rất cao và vị trí giao thông không thuận tiện, dẫn đến tính cạnh tranh kém hơn so với các địa phương lân cận. TP Hồ Chí Minh đã và đang kêu gọi đầu tư vào chín ngành dịch vụ và bốn ngành công nghiệp trọng điểm nhưng kết quả thực tế cho thấy chưa đạt được hiệu quả cao bởi việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay đều phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Các chính sách ưu đãi TP Hồ Chí Minh đang áp dụng cũng không khác biệt gì các địa phương khác, dẫn đến thành phố không có cơ sở để xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng phù hợp đặc thù của thành phố, không phát huy được các thế mạnh riêng. Việc thu hút đầu tư theo kiểu cào bằng khiến mô hình thu hút đầu tư ở các địa phương tương tự nhau, cạnh tranh có tính triệt tiêu lẫn nhau, không phát huy hiệu quả. Bên cạnh các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, để có thể thu hút đầu tư hiệu quả thì việc phát triển các nguồn lực nội tại của thành phố cũng hết sức quan trọng. Nếu thành phố có nguồn nhân lực chất lượng tốt, hệ thống hậu cần, chuỗi cung ứng hiệu quả và khả năng phát huy vai trò trung tâm trong liên kết với các địa phương lân cận thì tự động các nhà đầu tư sẽ tìm đến. Tuy nhiên, tất cả các mặt nêu trên, hiện nay TP Hồ Chí Minh còn rất yếu kém, cần khắc phục sớm.

Trong một báo cáo mới đây, Ban Cán sự Ðảng UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để phát huy hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố thực hiện một số cơ chế đặc thù. Các cơ chế mới này không dựa vào yếu tố truyền thống để thu hút đầu tư (như ưu đãi tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp) mà tạo ra sự thuận lợi hơn về luân chuyển các nguồn lực và dỡ bỏ hạn chế về thị trường. Thí dụ, các cơ chế về thu hút nguồn lực lao động chất lượng cao từ nước ngoài đến thành phố làm việc; cơ chế cho phép thành phố có thẩm quyền xét duyệt, chấp nhận các dự án đầu tư nước ngoài mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường hoặc các điều kiện mở cửa còn chặt chẽ; các cơ chế thông thoáng về ngoại hối để thu hút các tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài về hoạt động; cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự trình độ cao của nước ngoài để làm việc trực tiếp trong các đơn vị trực thuộc thành phố.

Ngoài kiến nghị các chính sách đặc thù, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh việc rà soát, chuyển đổi 26 nghìn héc-ta đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Trong đó chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư các dự án khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và tiếp tục đề nghị Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch một số khu công nghiệp mới. Song song đó, thành phố sẽ tăng cường vai trò trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam; đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các địa phương trong kết nối hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt. Ngoài ra, có sự thống nhất, xác định rõ định hướng phát triển của từng địa phương trong vùng theo hướng thành phố phát triển những lĩnh vực nào, còn lại sẽ hỗ trợ các tỉnh bạn thực hiện những lĩnh vực gì, tránh tình trạng cạnh tranh triệt tiêu lẫn nhau, "dẫm lên chân nhau" trong thu hút đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó, thành phố cũng kiến nghị Trung ương ưu tiên bố trí vốn cho dự án nào trước, dự án nào sau để đạt được hiệu quả cao nhất xét theo góc nhìn toàn vùng,…

Chính sách "thành phố kiến tạo"

Ðể khắc phục những nhược điểm trong chính sách đề xuất đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho rằng, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ xã hội hóa triệt để các hoạt động đầu tư. Theo đó, trừ các dự án Nhà nước bắt buộc phải đứng ra thực hiện việc đầu tư do tính chất quan trọng hay do quy định của pháp luật, còn lại sẽ xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp và người dân thực hiện. Lúc này, thành phố không trực tiếp đóng vai trò là nhà phát triển dự án mà chỉ đóng vai trò "người kiến tạo", thông qua việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lập quy hoạch, tạo lập quỹ đất, lựa chọn đầu tư, giám sát triển khai đầu tư xây dựng. Việc này không chỉ giảm phụ thuộc vào ngân sách thành phố mà ngược lại, còn làm tăng ngân sách từ nguồn tiền thu được qua việc lựa chọn nhà đầu tư (thông qua đấu giá, đấu thầu), tiền nộp nghĩa vụ ngân sách (thông qua các khoản thuế, phí). Ðiều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông điệp về xây dựng một "Chính phủ kiến tạo" mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập,…

Ðối với những bất cập trong đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, thành phố kiến nghị Trung ương thực hiện nhóm giải pháp ưu tiên chuyển nguồn các dự án đầu tư công sang đầu tư tư nhân. Bởi khi thực hiện phương án này, nhà đầu tư sẽ đứng ra thương lượng với người dân theo giá thị trường. Các phương án của nhà đầu tư thường linh hoạt hơn so với việc thành phố xây dựng phương án bồi thường theo quy định. Việc đàm phán sẽ tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và được các bên đồng thuận, tránh việc áp đặt dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm chậm tiến độ dự án. Thành phố sẽ đóng vai trò tổ chức quy hoạch, hỗ trợ thủ tục hành chính và trung gian giữa nhà đầu tư với người dân để bảo đảm việc thương lượng tuân thủ các quy định pháp luật.

Ðối với các dự án thành phố phải trực tiếp xây dựng phương án bồi thường, trong quá trình tổ chức quy hoạch, phê duyệt dự án cần có tầm nhìn tổng thể để thực hiện việc thu hồi đất bảo đảm nhiều tiêu chí khác nhau và hạn chế việc tạo ra chênh lệch địa tô. Thí dụ, việc quy hoạch nút giao thông cần đi đôi với việc quy hoạch tổng thể cả vùng đệm, công viên cây xanh, giao thông tĩnh (bến, bãi đậu xe) và tính đến việc thu hồi đất cả khu vực chung quanh phục vụ chức năng thương mại dịch vụ. Như vậy, vừa chỉnh trang đô thị một cách đồng bộ, hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo, tạo thêm tiện ích cho người dân, vừa tạo quỹ đất thương mại dịch vụ để tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư trở lại cho hạ tầng,…

Theo các chuyên gia kinh tế, đơn giá bồi thường theo các quy định hiện hành chưa bám sát giá thị trường. Giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên thị trường, nhất là khi so sánh giữa giá do thành phố đưa ra và đơn giá do nhà đầu tư tự thương lượng tại các dự án lân cận. Ðiều này khiến người dân cảm thấy việc bồi thường không thỏa đáng và tổ chức khiếu kiện hết sức phức tạp. Ðáng lo ngại hơn, đơn giá bồi thường theo quy định chưa bám sát, đánh giá hết những tác động, thiệt hại mà người dân phải gánh chịu. Khi thay đổi chỗ ở mới, người dân thường mất kế sinh nhai, việc học hành, đi lại bị xáo trộn,… nhưng những yếu tố này chưa được tính đúng, tính đủ. Mức bồi thường chưa thật sự thỏa đáng khiến người dân rất miễn cưỡng trong việc hợp tác với chính quyền để thực hiện việc di dời.

Ngoài vấn đề đơn giá bồi thường, chính sách bố trí tái định cư cho người dân còn nhiều bất cập. Nguyên tắc chính của tái định cư là để người dân tạo chỗ ở mới, đối với những trường hợp không đủ điều kiện thì mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở cũng quy định, trong trường hợp không có nhà ở xã hội, Nhà nước có thể mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết tại các dự án, người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng vì nếu áp theo quy định, sau khi giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án, gần như họ không đủ điều kiện để có thể tiếp cận với nhà ở thương mại, còn đối với nhà ở xã hội, thành phố lại không có đủ quỹ nhà để giải quyết.

Ðể phát triển thành phố theo hướng bền vững, hiện đại, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, thành phố sẽ rà soát và điều chỉnh quy hoạch theo hướng bảo đảm tính liên kết vùng, kết nối giữa các loại hình giao thông (cảng hàng không, cảng biển, đường sắt đô thị, xe buýt) và giữa giao thông với các hoạt động thương mại - dịch vụ (các bến xe công cộng, metro với các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng). Công tác quy hoạch phải bảo đảm tính hiệu quả, xây dựng các trung tâm thương mại, bãi giữ xe ngầm kết nối trực tiếp đến các đầu mối giao thông quan trọng như các tuyến metro, nhà ga, bến xe hoặc xây dựng dưới các công viên cây xanh, quảng trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng tiện ích cho người dân; xây dựng kế hoạch và thứ tự ưu tiên trong việc triển khai thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng xác định thứ tự xây dựng các dự án trong quy hoạch, những khu vực nào sẽ ưu tiên phát triển trước để tạo giá trị gia tăng; khu vực nào thành phố thực hiện, khu vực nào tư nhân phải phối hợp thành phố thực hiện. Trong đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng Nhà nước đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhưng lại nâng cao giá trị đất đai cho doanh nghiệp, dẫn đến chênh lệch địa tô. Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, khi khắc phục được những hạn chế về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chính sách đầu tư,… thành phố sẽ thuận lợi hơn trong việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng đô thị, nhằm phát triển kinh tế thành phố bền vững, hiện đại.

* Bài 1: Nhận diện những “nút thắt”

----------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 21-11-2019.