Sản xuất tiêu dùng

Tiết kiệm nguồn nước phục vụ phát điện và đổ ải

Từ năm 2007 đến nay, để bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân các tỉnh Bắc Bộ, các hồ chứa thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn phải gia tăng xả nước, bình quân mỗi năm xả ba đợt (khoảng 20 ngày).

Trước năm 2010, lượng nước cần xả khoảng ba tỷ m3, đến nay đã tăng gấp hai lần. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, sẽ đến lúc các hồ chứa không còn đủ nước để xả; đồng thời ảnh hưởng việc trữ nước phát điện cho mùa khô, cao điểm nắng nóng. Trước yêu cầu thực tiễn này, Viện Quy hoạch thủy lợi chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng lấy nước và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả lấy nước trong các đợt điều tiết nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa đông xuân khu vực Bắc Bộ”. Đề tài đã nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lớn như: Tính toán nhu cầu dùng nước của các tỉnh ở hạ du các hồ chứa thủy điện; nghiên cứu chế độ dòng chảy ở hạ lưu dưới tác động của các hồ chứa; tính toán lượng nước có thể tiết kiệm được, phân tích hiệu quả kinh tế tương ứng với các kịch bản. Đồng thời, nghiên cứu xác định phương án vận hành hợp lý các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình; xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa phục vụ đa mục tiêu bảo đảm nâng cao hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du và nâng cao giá trị kinh tế của nước.

Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm lãnh đạo EVN và Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, đề tài đã tìm ra rất nhiều điểm mới như kiến nghị điều chỉnh quy trình xả nước gia tăng, được áp dụng trong hai năm 2019 và 2020, cụ thể: Tại Hà Nội, đợt một duy trì mực nước 1,8 m để đẩy mặn; đợt hai, duy trì mực nước bình quân 2 m, mực nước nhỏ nhất 1,6 m; đợt ba, chỉ cần duy trì mực nước ở mức 1,4 m. Cùng với đó, tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện trong thời kỳ đổ ải vụ đông xuân năm 2019 là 1,4 tỷ m3 và năm 2020 dự kiến khoảng 1,8 tỷ m3. Kết quả cải tiến quy trình xả nước gia tăng năm 2019 cho thấy, lượng nước cần xả giảm từ 5,8 tỷ m3 xuống còn 4,4 tỷ m3. Việc tiết kiệm 1,4 tỷ m3 nước để phát điện vào mùa hè không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn trong việc bảo đảm an toàn điện năng cho toàn hệ thống. Đề tài cũng đề xuất được các giải pháp công trình, phi công trình để cải thiện hiệu quả lấy nước ở hạ du hệ thống sông; đưa ra giải pháp tối ưu hóa giá trị kinh tế mang lại từ các hồ chứa; nâng cao nhận thức trong sử dụng nước của các địa phương cũng như giải quyết mâu thuẫn trong việc sử dụng nước giữa các ngành.

Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi đã được áp dụng ngay vào thực tiễn ngay từ vụ đông xuân năm 2018 - 2019, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mục tiêu chính của đề tài đã đạt được, đáp ứng yêu cầu EVN đặt ra. Đồng thời, EVN mong muốn, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ trên kết quả nghiên cứu đề tài, có kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh lại quy trình vận hành hồ chứa phù hợp thực tiễn, vừa phục vụ tốt nhất yêu cầu xả nước cho đổ ải vụ đông xuân, đồng thời tiết kiệm nguồn nước phát điện mùa khô.