Tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là giải pháp quan trọng để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo giá trị gia tăng, góp phần cải thiện chất lượng nền kinh tế; nâng cao khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) cũng như chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Công nhân Công ty TNHH điện tử CAISVINA tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sản xuất thiết bị đấu nối nhựa... cho Samsung, LG và VinFast. Ảnh: TUẤN ANH
Công nhân Công ty TNHH điện tử CAISVINA tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sản xuất thiết bị đấu nối nhựa... cho Samsung, LG và VinFast. Ảnh: TUẤN ANH

Phát triển còn hạn chế

Trong những năm qua, CNHT đã luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 về phát triển CNHT cũng như các văn bản chính sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về CNHT đã dần được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Số lượng và chất lượng của các DN CNHT Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; các sản phẩm CNHT phần nào đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số DN CNHT trong nước cũng tích cực sử dụng công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp trong chuỗi của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, CNHT Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là các DN CNHT trong nước còn yếu về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ lẫn sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng đủ yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Theo thống kê các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng thấp so với các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT của chúng ta còn thiếu; tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước thời gian qua đã bộc lộ rõ điểm yếu lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay: Nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc nhiều các chuỗi cung ứng nước ngoài; CNHT kém phát triển, không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất, dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Theo Bộ Công thương, nguyên nhân của tình trạng này một phần do việc tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ CNHT còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô-tô, dệt may, da giày,... nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.

Tạo cú huých lớn

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến CNHT; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho DN CNHT cũng như công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo nên cú huých lớn. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng một nghìn DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Xa hơn đến năm 2030, sản phẩm CNHT sẽ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, Bộ Công thương đã xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết các nhiệm vụ đặt ra. Thứ nhất, sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT và Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 để phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển lĩnh vực này trong thực tiễn hiện nay. Thứ hai, tiếp tục xây dựng chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển CNHT nội địa và thu hút đầu tư. Thứ ba, tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm kỹ thuật Hỗ trợ phát triển công nghiệp miền bắc và miền nam. Được biết, hiện hai trung tâm này đang trong quá trình kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ DN CNHT tại một số địa phương như cải tiến, kết nối DN ngành ô-tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL. Các trung tâm cũng đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon,... nhằm tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Trong ngắn hạn, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT năm 2021 với kinh phí gần 240 tỷ đồng, mục tiêu là tập trung phát triển CNHT cho các lĩnh vực chủ yếu như linh kiện phụ tùng điện tử, ô-tô, dệt may, da giày và công nghiệp công nghệ cao thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; xúc tiến đầu tư nước ngoài; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản trị hiện đại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm;... Những giải pháp này sẽ tạo động lực giúp ngành CNHT có bước chuyển thực chất hơn, hỗ trợ các DN từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước cũng như tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong dài hạn.