Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%

Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 28 tỷ USD. Thu nhập bình quân đạt 98 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 15.600 tỷ đồng. Số hộ nghèo giảm 1,5% so năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%; có thêm bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt hơn 98%...

Nông dân xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trồng rau thủy canh trong nhà lưới, mang lại thu nhập cao. Ảnh: NGỌC QUYÊN
Nông dân xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trồng rau thủy canh trong nhà lưới, mang lại thu nhập cao. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Ðể đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp xây dựng; chú trọng quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh. Khôi phục, phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, nhất là ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản. Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước, vận hành sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao thương và thu hút đầu tư. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng dự án sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững,...

Năm 2020, GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 4,18%; thu ngân sách ước đạt hơn 15.500 tỷ đồng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 12 toàn quốc và đứng thứ nhất trong 14 tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ; thu hút được hơn 41 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trên địa bàn; bảo đảm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

* Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Kiên Giang chuyển đổi 19.514 ha lúa hai vụ/năm vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên sang mô hình sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm; chuyển đổi hơn 3.688 ha đất lúa 2 - 3 vụ/năm sang phát triển mô hình lúa - màu, chuyên rau màu ở các huyện: Giang Thành, Hòn Ðất, U Minh Thượng; chuyển đổi 1.684 ha khu vực trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hồ tiêu, dứa, chuối… ở các huyện: Giang Thành, Hòn Ðất, Châu Thành, U Minh Thượng và TP Rạch Giá. Việc chuyển đổi thực hiện theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp từng vùng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa và tăng thu nhập của nông dân. Trên cơ sở chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, tỉnh đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nhất là mô hình tôm - lúa, chuyên canh rau màu. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích từ khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha/năm tăng lên hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát chuyển đổi những khu vực đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi khác phù hợp điều kiện môi trường sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi, điện, đường giao thông…, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, thực hiện liên doanh liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển diện tích trồng cây ăn quả và cây có giá trị kinh tế khác ở những nơi phù hợp. Tỉnh đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản.