Nỗ lực xây dựng chính quyền số

TP Hồ Chí Minh vừa công bố Chương trình chuyển đổi số (CĐS) với mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp (DN). Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố xem CĐS là một trong những nhân tố quan trọng thực hiện mục tiêu kép.

Doanh nghiệp CNTT cung ứng nhiều giải pháp giúp tăng tương tác, rút ngắn thời gian trao đổi thông tin. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Misa tập trung hoàn chỉnh các phần mềm nhằm phục vụ chương trình CĐS.
Doanh nghiệp CNTT cung ứng nhiều giải pháp giúp tăng tương tác, rút ngắn thời gian trao đổi thông tin. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Misa tập trung hoàn chỉnh các phần mềm nhằm phục vụ chương trình CĐS.

Tăng năng suất công việc

Với động thái này, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành chương trình CÐS, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chương trình CÐS quốc gia.

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khẳng định: "Cùng với đề án đô thị thông minh, việc thực hiện chương trình CÐS cho thấy, nỗ lực của thành phố là chọn con đường phát triển nhanh hơn bằng việc phát huy trí tuệ con người, phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin. Hiện, công chức thành phố phải thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân của cả nước. Muốn phục vụ người dân tốt hơn, chỉ có con đường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp thông minh trên nền tảng số hóa để tăng năng suất". Chương trình CÐS của TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Theo đó, đến năm 2025, số hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt từ 50% trở lên. Ngoài ra, 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp quận và 60% hồ sơ công việc tại cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Trong 5 năm tới, kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đặt mục tiêu thuộc nhóm năm địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số chiếm 25% GRDP; năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 7%.

Ðến năm 2030, thành phố có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng. Cùng với đó, tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và DN. Trong giai đoạn này, dự kiến TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm hai địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 9%. Với nhiệm vụ phục vụ người dân và DN, thành phố tích hợp các dịch vụ, người dân và DN chỉ cần sử dụng một tài khoản đăng nhập cho tất cả các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Người dân và DN chỉ cung cấp thông tin một lần vì các cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau. Thành phố cũng có các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân.

Chính quyền và DN chung tay

Ðể triển khai chương trình CÐS, các DN công nghệ thông tin đã nhanh chóng vào cuộc, góp sức để thúc đẩy quá trình CÐS tại DN lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành phía nam.

Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) Lâm Nguyễn Hải Long cho hay, từ năm 2018, bản thân HCA đã tự thực hiện CÐS thông qua các hoạt động hằng ngày, tổ chức sự kiện, tương tác với hội viên. Trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên HCA cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố xây dựng nhanh các ứng dụng như: Hệ thống họp trực tuyến thành phố, hệ thống lưu trữ tài liệu bảo mật cho đội ngũ công chức khi làm việc tại nhà, hoặc sàn giao dịch các sản phẩm công nghệ thông tin với hơn 60 DN hội viên cung cấp 280 sản phẩm, giải pháp phục vụ xã hội. Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chính quyền thành phố cũng như các DN xem đây là cơ hội để biến "nguy cơ" thành "cơ hội" thúc đẩy CÐS. Ðể hoạt động hiệu quả trong tình hình hiện nay, DN phải tăng cường ứng dụng công nghệ vào CÐS.

Giám đốc Văn phòng trung tâm Công ty Misa Hồ Chí Minh Lê Hữu Nguyên cho biết: "Trước đây, việc tương tác, kết nối giữa các phòng, ban theo phương pháp truyền thống, phải tổ chức hội, họp, mất nhiều thời gian. Phần mềm điều hành quản trị DN hợp nhất Misa Amis của Công ty Misa giúp giải quyết được vấn đề này nhờ khả năng quản lý công việc, giao việc, nắm bắt tiến độ dễ dàng ngay trên điện thoại di động. Ðây là sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh. Khi sử dụng phần mềm này, DN tiết kiệm được 80% thời gian báo cáo, họp, kiểm tra hằng ngày, dễ dàng gửi trao đổi thông tin". Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết: "FPT đã song hành cùng thành phố trong ba hoạt động: Xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu và cung cấp một số ứng dụng công nghệ thông tin cho các sở, ban, ngành. Trong đó, Hệ thống dữ liệu dùng chung là một cấu phần khó mà thành phố đã triển khai được và FPT đồng hành cùng thành phố xây dựng nền tảng này. Ðây cũng là cái gốc của việc CÐS tại thành phố, là bước đệm để các sở, ban, ngành hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Nếu như trước đây, các thông tin cũng như dữ liệu không được chia sẻ, thì nay FPT coi đó là "mỏ vàng" để các công chức nhà nước có thể chia sẻ và tiếp cận mọi dữ liệu dùng chung, phục vụ nghiệp vụ của mình".

Dù TP Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi thực hiện CÐS, nhưng đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, tiền bạc và trí tuệ. Ðồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Theo kế hoạch, thành phố sẽ số hóa và tích hợp nhiều dữ liệu để phục vụ cho người dân và DN, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn thành phố. Ngoài ra, thành phố tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng in-tơ-nét vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo,... làm tiền đề phát triển chính quyền số và kinh tế số. Về kinh tế số, thành phố tập trung vào mười lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực".

Ðể hiện thực hóa chính quyền số, chính quyền thành phố cần nghiên cứu thành lập trung tâm giới thiệu giải pháp thông minh của DN toàn thành phố về các lĩnh vực như: cơ khí, dệt may, giáo dục, y tế, giao thông... Ngoài ra, thành phố cần có đánh giá về chi phí cho công nghệ thông tin và tính hiệu quả thời gian qua và tính toán tăng mức chi tiêu ngân sách tương xứng cho lĩnh vực này.