Nỗ lực để tiếp tục có một năm tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cập nhật số liệu mới nhất cho thấy kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội.

Điểm nổi bật là, năm 2020 đạt và vượt 10 trong tổng số 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tăng hai chỉ tiêu so với số ước tính, bao gồm chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị. Đây là kết quả đáng khích lệ trong tăng trưởng ở “thời kỳ Covid-19”, vì dịch bệnh đã khiến tiêu dùng trên toàn thế giới bị suy giảm đột ngột, đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu đến chỗ đình trệ, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ngoài ra, bốn chỉ tiêu khác có kết quả thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội, gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân; giá trị xuất siêu và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế. Về cơ bản, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế được nâng cao, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng cao trong khi ngành khai khoáng có xu hướng giảm… Có thể nói, kinh tế Việt Nam đã có một năm tăng trưởng đầy bản lĩnh về số lượng và chất lượng; không chỉ giữ được ổn định mà còn phát triển. Kết quả này đã tăng thêm điểm sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam trong một năm đầy khó khăn, đồng thời củng cố hơn nữa niềm tin của toàn xã hội vào chính sách và khả năng điều hành của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường.
 
 Tuy nhiên, với mức tăng trưởng GDP 2,91%, kinh tế Việt Nam đã có một năm tăng trưởng thấp nhất trong mười năm qua và không đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một thách thức lớn ở năm khởi đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược mười năm 2021 - 2030. Để tiếp tục có một năm tăng trưởng đầy bản lĩnh, ngay từ đầu năm 2021, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, quyết liệt kiềm chế làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng kéo dài đến tình hình sản xuất, kinh doanh với giá trị ước tính khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu ngày càng khó đoán định, công tác dự báo ngày càng khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, “phần thưởng” sẽ dành cho những nền kinh tế sớm có được sự chủ động, linh hoạt ứng phó.