Nhiều hộ dân chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn do thiếu kinh phí

NDO -

NDĐT- Tại tỉnh Thái Bình, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã kéo dài hơn ba tháng, gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là các hộ dân có số lượng lợn phải tiêu hủy nhiều.

Ông Nguyễn Đình Bỉnh, thôn Liên Hồng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy 2,3 tấn lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: MAI TÚ)
Ông Nguyễn Đình Bỉnh, thôn Liên Hồng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chưa nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy 2,3 tấn lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: MAI TÚ)

Tính đến ngày 20-5, dịch đã phát sinh trên địa bàn 281 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn bảy huyện và thành phố Thái Bình, tổng số lợn tiêu hủy là 323.901 con. Tại xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư), địa phương có tổng đàn lợn lớn của tỉnh đến ngày 21-5 đã tiêu hủy 45,7 tấn của 150 hộ/497 hộ chăn nuôi. Hiện nay, dịch đã bùng phát tại một hộ chăn nuôi quy mô trang trại tại thôn Liên Hồng, gia đình buộc phải tiêu hủy bảy lần với tổng trọng lượng 2,3 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

Đối với hơn 8.000 con lợn còn khỏe mạnh trên địa bàn toàn xã, vấn đề đầu ra vẫn bảo đảm, tuy nhiên giá cả xuống rất thấp, không bán thì dễ mắc dịch bệnh, còn bán thì cầm chắc thua lỗ nặng.

Ông Nguyễn Đình Bỉnh, một hộ chăn nuôi ở thôn Liên Hồng cho biết: Thời điểm này, gia đình ông chưa nhận được tiền hỗ trợ do tỉnh thiếu kinh phí. Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ dân. Tâm lý chung của người chăn nuôi là ai bán được lợn thì thở phào, cũng chưa dám tái đàn, phục hồi sản xuất vì không biết dịch bệnh đến bao giờ mới kết thúc.

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận nói trong âu lo: “Những trang trại lợn nái ở đây phải nuôi cầm cự, không dám thả giống vì nếu chửa đẻ không bán được. Đối với đàn lợn khỏe mạnh vẫn phải nuôi ngay trong vùng ổ dịch, đề nghị Nhà nước có phương án thu mua cấp đông để gỡ khó cho hộ dân”.

Theo quy định của tỉnh Thái Bình, lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch; lợn nái, lợn đực giống được hỗ trợ mức 1,5 lần so với lợn con, lợn thịt các loại. Hằng tuần, Sở Tài chính sẽ công bố mức giá theo diễn biến của thị trường thời điểm hiện tại. Nhưng với số lượng lợn tiêu hủy rất lớn (tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng) đã vượt quá khả năng cân đối tài chính của địa phương, nên hiện nay chưa có hộ dân nào trên địa bàn tỉnh nhận được tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn do mắc dịch tả lợn châu Phi.

Thái Bình là tỉnh có tổng đàn lợn lớn, nhiều năm nay duy trì trên một triệu con, tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm chủ yếu, mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong khu dân cư nên khó thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học cũng như biện pháp xử lý dịch nên dịch bệnh dễ dàng lây lan, bùng phát.

Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh, đây là dịch bệnh mới, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có kinh nghiệm trong bao vây xử lý dịch bệnh nên hiệu quả chống dịch thấp. Nhiều trang trại đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, đã ngăn chặn không để dịch xâm nhiễm trong thời gian dài nhưng cuối cùng dịch vẫn phát sinh, gây hại mà không lý giải nguyên nhân lây lan bệnh vào trại, đã gây tâm lý hoang mang cho chủ trang trại chăn nuôi. Dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, kéo dài, gây tốn kém kinh phí, nguồn lực của các địa phương cho công tác chống dịch. Đến nay vẫn tiếp tục xảy ra, đã phát sinh tại các trang trại nên công tác xử lý dịch gặp nhiều khó khăn, nhất là quỹ đất tiêu hủy lợn bệnh.

Mức tiêu thụ lợn thịt của Thái Bình thời điểm cao nhất đạt khoảng 40%, còn lại chủ yếu là xuất đi tỉnh ngoài. Khi có dịch xảy ra, việc xuất đi tỉnh ngoài rất thấp, trong khi đó, việc tiêu thụ lợn thịt khỏe mạnh trong vùng dịch của tỉnh gặp nhiều khó khăn do người dân hạn chế sử dụng thịt lợn, nên tỉnh luôn có một lượng lớn lợn thịt khỏe mạnh đến kỳ xuất chuồng chưa tiêu thụ được (hiện còn 47 nghìn con lợn thịt và gần 120 nghìn con lợn choai), đây cũng chính là nguồn nhiễm bệnh nếu không có giải pháp tiêu thụ kịp thời.