Kiểm soát chặt thị trường thương mại điện tử

Từ sự tiện lợi và nhanh chóng đã khiến hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMÐT), đặc biệt là hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội đã trở thành một kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng (NTD) lựa chọn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Song hình thức kinh doanh này cũng đang là “mảnh đất” béo bở cho nạn buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng,… lộng hành, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, niềm tin, kinh tế của NTD vào TMÐT.

Sức hấp dẫn khó cưỡng

Vào xem livestream của tài khoản có tên AE Shop trên mạng xã hội Facebook với những lời quảng cáo rất “mát” tai, streamer (người thực hiện livestream) thì thao thao bất tuyệt không ngưng nghỉ: “Ngày hôm nay, shop em xin được tặng các anh chị áo khoác lông vũ hàng hiệu với giá 150 nghìn đồng, giảm 70% so với ngày thường, duy nhất chỉ có trong livestream ngày hôm nay của nhà em. Anh chị nào có nhu cầu, nhanh tay để lại số điện thoại ngay dưới phần bình luận, hàng sẽ giao tận nhà ngay và luôn”. Bằng cách quảng cáo hàng hóa như vậy, chỉ sau hai giờ, livestream này đã thu hút hơn 34 nghìn lượt xem và hơn 20 nghìn lượt chia sẻ. Cứ mỗi một giờ trôi qua có hàng trăm đơn hàng được AE Shop “chốt đơn” một cách dễ dàng. Người mua có thể chủ động đặt câu hỏi về sản phẩm bằng thao tác bình luận và được người bán trả lời trực tiếp. Chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức sẽ có người liên hệ “chốt đơn” và ship đến tận tay sau từ 3-5 ngày. Với thao tác mua bán diễn ra rất nhanh cùng mức giá “ưu đãi” giảm kịch sàn chỉ có trong giờ livestream đã đánh trúng vào tâm lý của NTD là ham rẻ, quảng cáo bắt mắt là mua.

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trước đây chưa từng bán trực tuyến nay bắt buộc phải đẩy mạnh kinh doanh qua kênh này. Nhiều NTD chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay chỉ còn cách chọn TMÐT khi muốn cách ly, tránh tiếp xúc hay tụ tập bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh các trang TMÐT làm ăn nghiêm chỉnh, tạo dựng độ tin tưởng với NTD, thì vẫn còn nhiều đối tượng lợi dụng sự sôi động của không gian này, sử dụng nhiều hình thức tinh vi để kiếm lời bằng cách tuồn vào tiêu thụ các sản phẩm đủ loại “thượng vàng hạ cám”, đều được quảng cáo là “siêu rẻ”, “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”. Song đó chỉ là những chiêu dụ, lừa khách hàng. Ðến khi nhận hàng, nhiều người không khỏi thất vọng khi quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo. Trong “rừng” kênh kinh doanh, mua bán TMÐT, hàng thật, hàng giả lẫn lộn, khiến NTD như rơi vào ma trận và chịu không ít tổn thất khi mua hàng. Thống kê từ Hiệp hội TMÐT Việt Nam cũng cho thấy, có đến 48,1% số người mua sắm qua TMÐT đều nói rằng mình từng bị lừa, chủ yếu là chất lượng hàng hóa không như cam kết nhưng không cho phép đổi trả hoặc được đổi trả nhưng phải mất phí cho người bán.

Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt về sự phát triển của TMÐT, giúp cho người bán không phải tốn kém chi phí cho việc thuê cửa hàng với đông đảo nhân viên phục vụ, không cần đầu tư nhiều kho chứa hàng mà vẫn kinh doanh tốt. Chỉ cần lập một trang mạng xã hội để bán hàng, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 10 đến 20% chi phí để duy trì vận hành và quảng cáo là có được kênh bán hàng. Ðây là điều mà chỉ có TMÐT làm được khi nó tạo ra một phương thức kinh doanh mới phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại. Theo thống kê của Cục TMÐT và kinh tế số (Bộ Công thương), TMÐT Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMÐT Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ USD. Song thị trường này vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhất là về vấn đề chất lượng hàng hóa và niềm tin của NTD dành cho TMÐT còn chưa vững vàng.

Cần chế tài mạnh mẽ hơn

Có thể thấy, sự thay đổi liên tục của công nghệ đã khiến các hành vi vi phạm trong hoạt động TMÐT diễn ra ngày càng tinh vi, có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức và một số mô hình hoạt động TMÐT mới như livestream đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, việc kinh doanh, buôn bán hàng nhái trên kênh online đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng, nhưng nếu phát hiện cũng chỉ phạt vài triệu đồng cho nên hầu như không đủ sức răn đe. Vì thế, không ít đối tượng sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính từ hoạt động này. Bởi việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tạo ra siêu lợi nhuận nên có sức hút rất lớn, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy. Trên thực tế, việc xử lý những DN, cơ sở chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái đang ngày càng khó khăn hơn vì thủ đoạn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý hoạt động TMÐT hiện nay là do các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, chỉ có điện thoại để giao dịch, không thể kiểm tra được ngay hoặc không có sản phẩm tại địa chỉ kinh doanh. Hoàn toàn người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Bên cạnh đó, vì là không gian, địa chỉ ảo nên người bán dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên việc phát hiện, xử lý càng trở nên khó khăn. Hiện nay, thị trường TMÐT ngày càng phát triển, trong khi lực lượng cán bộ thực thi nhiệm vụ còn mỏng, chuyên môn về công nghệ thông tin chưa cao, kỹ năng và quy trình thực hiện chưa đủ đáp ứng yêu cầu kiểm soát trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát thị trường TMÐT chưa chặt chẽ và hiệu quả. Có thể thấy, hình thức TMÐT đã tạo ra sân chơi mới cho các DN và phương thức mua sắm mới cho NTD. Ðiều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới, sáng tạo trong phương thức quản lý, kiểm soát và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Việc có chế tài mạnh sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho NTD, thúc đẩy TMÐT phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước. Từ đó giúp hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động TMÐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả. Ðồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chủ các sàn TMÐT, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Mặt khác, mỗi NTD cũng cần chủ động không tìm mua những mặt hàng có dấu hiệu làm giả, kém chất lượng để giúp cho hoạt động TMÐT của nước ta ngày một phát triển lành mạnh hơn. Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan TMÐT, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho NTD.