Chuyện thị trường

Không để "thua trên sân nhà"

Theo nhận định của nhiều DN bưu chính, mấy năm gần đây, thị trường chuyển phát nhanh đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là sau khi được mở cửa vào tháng 1-2012, cho phép các DN 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ này. Trên thực tế, từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, các hãng chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới như DHL, FedEx, UPS, TNT,... đều đã có mặt và cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam thông qua hình thức hợp tác với đối tác trong nước, mở đại lý thu gom, phát hành.

Tiếp đó, các hãng này đã lần lượt góp vốn cùng các đối tác trong nước thành lập công ty liên doanh. Năm 2010, UPS - hãng chuyển phát nhanh của Mỹ liên doanh với Công ty chuyển phát nhanh Bưu điện Việt Nam (VNPost Express) thành lập Công ty CP UPS Việt Nam, với tỷ lệ vốn góp 51% cho UPS và 49% cho VNPost Express. Chỉ sau ba năm hoạt động, đến giữa năm 2013, UPS "thôn tính" nốt 49% cổ phần của VNPost Express, trở thành công ty chuyển phát nhanh 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, UPS cùng với nhiều DN bưu chính nước ngoài khác từ lâu đều đã ấp ủ ý tưởng thành lập DN 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và chỉ chờ khi thời cơ "chín muồi" là thực hiện. Sự kiện này là "hồi kèn xung trận" mở màn cho các thương vụ thể hiện sự thâm nhập sâu hơn của các hãng bưu chính lớn trên thế giới vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các hãng bưu chính quốc tế cũng rất mạnh tay trong việc đầu tư, nhằm nâng tầm ảnh hưởng, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Mới đây, Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL-VNPT (thành viên của Tập đoàn DHL tại Việt Nam) cũng đã khai trương văn phòng chính và Trung tâm Khai thác phía nam tại TP Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 10 triệu USD. Như vậy, DHL đã có hai trung tâm khai thác tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, bên cạnh các trạm trung chuyển tại Hải Phòng, Ðà Nẵng, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính đến nay, DHL đã đầu tư 37 triệu USD cho thị trường Việt Nam, với quy mô luôn được xem là thương hiệu "kèo trên" trong lĩnh vực chuyển phát. FedEx cũng đã đưa máy bay Airbus A310 tham gia vào dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam. Với sự đầu tư này, năng suất chuyển phát nhanh của FedEx đã tăng gấp năm lần so với trước...

Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành thị trường chuyển phát nhanh hàng đầu của ASEAN trong vài năm tới, nhờ vào sức hấp dẫn của tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và nhu cầu xuất - nhập khẩu ngày càng tăng. Vì vậy, không khó hiểu khi các hãng bưu chính quốc tế lại quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này như vậy. Trên thực tế, thị trường đầy tiềm năng này đã hầu như nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài với ước tính, khoảng 80% thị phần chuyển phát nhanh đang thuộc về bốn "ngoại binh" là DHL, TNT, FedEx và UPS. Với kinh nghiệm, công nghệ và tiềm lực tài chính hùng hậu, các hãng khai thác bưu chính toàn cầu đang tạo sức ép cạnh tranh rất lớn lên các DN "nội". Khi không thể cạnh tranh, khả năng "thua trắng trên sân nhà" của các DN Việt Nam là hoàn toàn có thể. Vì vậy, trong thời gian tới, các DN bưu chính trong nước cần chuẩn bị tốt hơn các điều kiện, nhất là phải có những giải pháp quyết liệt nhằm nâng chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng, tối ưu hóa chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh; qua đó, dần lấy lại vị thế, bảo đảm tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.