Hội thảo khoa học hướng tới công bằng thuế

NDO -

Sáng 16-12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với tư cách tổ chức điều phối Liên minh Công bằng Thuế (VATJ), đã tổ chức hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu “Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng”.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Các tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo tập trung làm rõ cơ cấu và xu hướng điều chỉnh thuế ở Việt Nam trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp nhằm hướng tới sự công bằng thuế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy đủ hơn.

Theo kết quả nghiên cứu của VATJ, từ năm 2006, thuế chiếm khoảng hơn 80% trong tổng thu ngân sách và từ năm 2011 đến nay ổn định ở mức chung quanh 18% GDP của Việt Nam. Tốc độ tăng thu thuế tương đương với tốc độ tăng của GDP cùng kỳ so sánh, với một số xu hướng điều chỉnh nổi bật sau:

Tỷ trọng của thuế trực thu đã giảm liên tục từ 44,6% năm 2012 xuống còn 33,8% năm 2017 và gần đây có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9%, tức tương đương mức 39% của VAT và thuế bảo vệ môi trường cùng trong năm 2019. Tỷ trọng thuế trực thu của Việt Nam trên GDP cũng giảm từ  mức 10% năm 2006 xuống mức khoảng 5,67% năm 2017, rồi tăng lại đạt mức 6,85% năm 2018 và 6,99% GDP năm 2019.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm từ 25% (năm 2008) xuống còn 22 năm (2013) và 20% (năm 2016), so mức thuế suất thuế TNDN trung bình đối với các nước Đông Nam Á giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống 21,7% vào năm 2020.  Như vậy, ở Việt Nam, thuế TNDN giảm cả về số thu và tỷ trọng trong thu thuế và thu ngân sách nhà nước, từ 27,9% (2013) xuống còn 13,58% (2017). Tuy nhiên, số liệu ước tính năm 2018 và 2019 của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách từ thuế TNDN có xu hướng tăng trở lại.

Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam được hoàn thiện từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và dù tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. Tổng thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng từ mức 5 nghìn tỷ đồng (2006) lên mức 109,4 nghìn tỷ đồng (2019). Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước cũng tăng từ gần 2% (2006) lên mức 7,05% (2019). Tuy nhiên, các hộ gia đình phải đóng thuế TNCN là không nhiều.  Thu nhập, chi tiêu trên đầu người và gánh nặng thuế phí đều tập trung ở hai khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý là gánh nặng thuế cao hơn, tính theo tỷ lệ trên thu nhập, không phải là khu vực chung quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà là Khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khi phần lớn thu nhập trong gia đình đến từ nữ giới, hộ thường có thu nhập, chi tiêu nhiều hơn và thường chịu gánh nặng thuế nhiều hơn. Tuy nhiên, khi giới tính của chủ hộ là nam, gánh nặng về thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT phải trả cao hơn. Các hộ có đông nam giới hơn nữ giới thường có thu nhập và chi tiêu cao hơn, và đóng thuế TNCN nhiều hơn…

Tỷ trọng của thuế gián thu trong tổng thu thuế ngày càng tăng và đã vượt quá con số 60% vào năm 2016 và chiếm 11% GDP. Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu lớn nhất trong các loại thuế gián thu, chiếm từ 50% đến 60% tổng số thu của thuế gián thu trong giai đoạn 2006‐2019. Thuế tiêu thụ đặc biệt được thiết kế có tính chất lũy tiến, nhằm thực hiện mục tiêu không khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng chịu thuế, hoặc ít nhất dựa trên giả định những người tiêu dùng loại hàng hóa đó có khả năng hoặc cần phải chịu thuế nhiều hơn. Do đó, có thể coi thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào các nhóm giàu hơn trong xã hội và tính lũy tiến của nó là hiển nhiên.

Ở Việt Nam, vai trò của thuế GTGT càng trở nên quan trọng hơn khi lợi nhuận từ các loại thuế thương mại giảm đi do các hiệp định thương mại trong khu vực cũng như việc thông qua các chuẩn mực tự do hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện có ba mức thuế suất VAT được áp dụng đối với các hàng hóa chịu thuế là 0%, 5% và 10%. Thuế suất 0% được áp dụng với hàng hóa xuất khẩu. Những hàng hóa dịch vụ mà người dân thường hay sử dụng (có thể được coi là hàng hóa thiết yếu) được áp dụng mức thuế 5%. Thuế giá trị gia tăng đã và vẫn đang là nguồn thu lớn nhất của ngân sách nhà nước, chiếm 30,6% tổng thu thuế và 24,7% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 (tăng so với tương ứng 23% và hơn 19% năm 2006).

Số thu thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu ở Việt Nam (bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng nhập khẩu) đang giảm dần trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2017. Nếu chỉ tính riêng số thu của thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, tỷ trọng còn giảm mạnh hơn nữa và có thể giảm cả về số thu. Khuynh hướng giảm của thuế xuất nhập khẩu là phù hợp do nguồn thu từ thuế quan giảm mạnh trong quá trình hội nhập kể từ khi tham gia WTO vào năm 2008.

Về tổng thể, tỷ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất  trong ASEAN, song lại là khá thấp so với nhiều nước phát triển khác trên thế giới…

Trong thời gian tới, cải cách thuế cần định hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn, thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu.