Đến ngày 16-9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019

NDO -

Ngày 22-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng chín tháng đầu năm 2020; định hướng những tháng cuối năm. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì cuộc họp.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp báo.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp báo.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, những tháng đầu năm 2020, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Cụ thể, theo Phó Vụ trưởng Vụ CSTT (NHNN) Phạm Chí Quang, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường thế giới biến động mạnh do dịch Covid-19, buộc Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước nới lỏng CSTT chưa từng có, thực thi các giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa quy mô lớn để phục hồi kinh tế;... NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

Đến ngày 15-9, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019. Trong những tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm hai lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1 đến 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6 đến 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới sáu tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. “Đây là mức lãi suất thấp trong các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam”, ông Phạm Chí Quang nhận định.

Về điều hành tỷ giá, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động trên thị trường quốc tế, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đến ngày 21-9, tỷ giá trung tâm tăng 0,16% so với cuối năm 2019; tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đương cuối năm 2019.

Trong điều hành tín dụng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Anh Tuấn cũng nêu rõ: Bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng vay vốn; chỉ đạo TCTD đơn giản thủ tục, điều kiện cho vay, tiết giảm tối đa chi phí… để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đến 16-9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019, tăng 10,19% so với cùng kỳ 2019.

Đặc biệt, NHNN luôn coi trọng cải cách hành chính (CCHC) bảo đảm nguyên tắc trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm (thời gian, chi phí) cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng. Chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của NHNN đạt điểm cao nhất 95.4/100 điểm và lần thứ 5 liên tiếp xếp vị trí thứ 1 về CCHC trong các bộ, cơ quan ngang bộ.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7-2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó bảy tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng. Nhất là, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15-8-2017 đến 31-5-2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 đến 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thanh toán những tháng đầu năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cả số lượng và giá trị giao dịch, thể hiện ở giao dịch thanh toán qua thẻ, qua internet và điện thoại di động. Trong bảy tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ trong bảy tháng đầu năm 2020 tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới: Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Cụ thể: Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tiền tệ, nhu cầu vốn của TCTD và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; bảo đảm ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi; Chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng…