Chợ Tân Bình “nhường chỗ” cho trung tâm thương mại và chợ truyền thống

NDO -

NDĐT - Chủ trương xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp chợ truyền thống tại chợ Tân Bình đang được dư luận tại TP Hồ Chí Minh rất quan tâm vì ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Ngày 19-9, chúng tôi đã có trao đổi với ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình về toàn bộ dự án, chủ trương xây mới chợ Tân Bình cũng như những phương án bồi thường hỗ trợ trong dự án này.

Mô hình chợ truyền thống mới.
Mô hình chợ truyền thống mới.

Xây TTTM vì chợ cũ xuống cấp

Theo ông Sơn, hiện toàn chợ Tân Bình có 3.336 sạp, với 2.956 thương nhân (trong đó, sáu đơn vị là doanh nghiệp Nhà nước và Hợp tác xã; 2.950 hộ cá nhân), hàng ngày có hơn 10.000 lượt khách đến mua sắm.

Mặc dù, chợ Tân Bình là một trong những chợ lớn của Thành phố nhưng do được xây dựng quá lâu (hơn 50 năm), trải qua nhiều giai đoạn sửa chữa, duy tu, mở rộng không đồng bộ, nên đến nay, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng. 2/3 số lượng sạp có diện tích dưới 1m2, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định (tối thiểu 3m2/sạp), môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của thương nhân và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là nguy cơ cháy nổ và không an toàn vào mùa mưa bão hàng năm. Do vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã cho phép quận Tân Bình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ Tân Bình thành Trung tâm Thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.

Ngày 31-5-2013, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Tân Bình được sử dụng quyền khai thác dự án để tham gia góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Tân Quang hình thành pháp nhân mới thực hiện dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Tân Bình tại khu đất 7.000m2 phía trước Chợ Tân Bình.

Đồng thời, Thành phố cũng chấp thuận cho UBND quận Tân Bình tiếp tục quản lý để đầu tư chợ truyền thống Tân Bình bằng phương thức xã hội hóa; kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án; không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; nhà đầu tư bỏ toàn bộ vốn đầu tư; có thu tiền sử dụng đất đối với phần đất thuộc dự án giao nhà đầu tư khai thác.

Sau khi được sự chấp thuận của Thành phố, quận Tân Bình đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích quận sử dụng quyền khai thác dự án để tham gia góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Tân Quang hình thành pháp nhân mới là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bất động sản Tân Bình Phú để thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng Tân Bình.

Không sử dụng vốn nhà nước để xây TTTM

Theo quy định, Công ty TNHH ĐTXD Tân Quang bỏ toàn bộ vốn để thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư bàn giao công trình cho UBND quận Tân Bình quản lý khai thác; UBND quận thu tiền thuê sạp từ thương nhân hoàn trả vốn cho nhà đầu tư. Đối với phần đất thuộc dự án giao cho Công ty TNHH ĐTXD Tân Quang khai thác thì có thu tiền thuê đất trong suốt thời gian thuê theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bất động sản Tân Bình Phú, được quyền khai thác Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng trong thời gian thuê đất.

Theo thiết kế, Trung tâm thương mại dịch vụ được xây dựng trên phần đất 7.000m2 giáp với đường Lý Thường Kiệt có chức năng kinh doanh thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn với quy mô xây dựng là ba tầng hầm và 17 tầng lầu với tổng kinh phí khái toán là 1.992 tỷ đồng.

Chợ truyền thống Tân Bình được xây dựng trên phần đất còn lại của chợ hiện hữu có diện tích 14.979,8m2 giáp với phần đất dự kiến xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ Tân Bình và giáp với các tuyến đường Lê Minh Xuân, Tân Tiến, Phú Hòa. Quy mô chợ truyền thống gồm ba tầng hầm, một tầng lửng hầm và sáu tầng lầu với tổng diện tích sàn xây dựng là 54.708,42m2 (không bao gồm hầm). Chợ được thiết kế theo hướng vừa hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống, có đầy đủ tiện ích để phục vụ cho thương nhân cũng như khách hàng đến mua sắm tại chợ như: lắp đặt thang máy, thang cuốn, máy điều hòa nhiệt độ… Tổng kinh phí dự kiến là 2.879 tỷ đồng bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ, chi phí đầu tư xây dựng chợ tạm, chợ truyền thống... Dự kiến, chợ mới được đưa vào hoạt động là tháng 11-2018

Không để bất cứ tiểu thương nào bị thiệt thòi

Theo lãnh đạo UBND quận Tân Bình, phương án bồi thường của quận là không để bất cứ tiểu thương nào đang buôn bán trong chợ cũ bị thiệt thòi bởi dự án mới. Cụ thể, quận đã xác định đối tượng được bồi thường hỗ trợ là các đơn vị, cá nhân đang hoạt động kinh doanh tại chợ Tân Bình có điểm kinh doanh cố định (sau đây gọi chung là điểm kinh doanh) và có hợp đồng thuê điểm kinh doanh với Ban Quản lý chợ; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, có mã số thuế thì được bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện dự án.

Việc bồi thường được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản sau: Đất do Nhà nước quản lý, Nhà nước không giao đất, không thu tiền sử dụng đất của các hộ kinh doanh, do đó khi thu hồi không tính bồi thường hỗ trợ về đất. Đối với các sạp, nhà lồng chợ và tài sản khác do các đơn vị, cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước và không thể tháo rời di chuyển thì tính bồi thường cho đơn vị, cá nhân đó. Trường hợp do các đơn vị, cá nhân góp vốn thì tính toán bồi thường hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân góp vốn theo quy định.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh và đã trả trước tiền thuê thì được hoàn trả lại số tiền thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời gian sử dụng điểm kinh doanh còn lại theo hợp đồng. Số tiền hoàn trả được tính thêm lãi suất theo chế độ tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại kể từ ngày nộp tiền đến ngày phương án bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí được phê duyệt; trường hợp bảo tồn vốn bằng vàng thì được quy đổi thành tiền tại thời điểm nộp và thời điểm phê duyệt phương án để chi trả. Số tiền hoàn trả này do cơ quan cho thuê quyền sử dụng sạp chi trả.

Đối với các trường hợp khác, Hội đồng bồi thường của dự án báo cáo Chủ tịch UBND quận xem xét, đề xuất, trao đổi thống nhất với Sở Công thương và Sở Tài chính để giải quyết. Trường hợp còn vướng mắc báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Bố trí ngay chợ tạm khi di dời

Để bảo đảm cho thương nhân duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian triển khai thực hiện dự án, quận Tân Bình sẽ xây dựng hai chợ tạm với 4.217 sạp để bố trí cho thương nhân kinh doanh. Cụ thể: Chợ tạm một (chợ tạm nhỏ) được xây dựng trên vỉa hè và một phần lòng đường Phú Hòa và Tân Tiến (hình chữ L) có diện tích xây dựng là 2.441,62m2, bố trí 439 sạp có diện tích 2,1m2. Chợ tạm hai (chợ tạm lớn) được xây dựng trên phần đất 7.000m2 với quy mô ba tầng với 3.778 sạp. Trong đó 3.584 sạp có kích thước có diện tích 2,56m2, và 194 sạp có diện tích 2,24 m2.

Sau khi xây dựng xong chợ tạm một sẽ bố trí 377 hộ đang kinh doanh tại khu A1 chợ Tân Bình cũ vào kinh doanh. Xây xong chợ tạm hai sẽ bố trí toàn bộ các sạp còn lại. Thời gian dự kiến tiểu thương phải kinh doanh tại chợ tạm là 39 tháng. Thương nhân không phải đóng phí chợ trong thời gian kinh doanh tại chợ tạm.

Khi chợ truyền thống xây dựng xong, UBND quận sẽ bố trí các hộ vào chợ mới. Đối tượng được tái bố trí là các đơn vị, cá nhân đang hoạt động kinh doanh tại chợ Tân Bình, có điểm kinh doanh cố định (sau đây gọi chung là điểm kinh doanh) và có hợp đồng thuê điểm kinh doanh với Ban Quản lý chợ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, có mã số thuế và có đăng ký tái bố trí thì được tái bố trí điểm kinh doanh. Nếu đơn vị, cá nhân đủ điều kiện tái bố trí nhưng không có nhu cầu tái bố trí thì được hỗ trợ một lần tiền để tự lo điểm kinh doanh mới hoặc chuyển đổi ngành nghề khác. Số tiền được hỗ trợ trên cơ sở doanh thu tháng liền kề của hộ kinh doanh nhưng tối đa không quá 30 triệu/hộ kinh doanh.

Việc bố trí bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Thương nhân kinh doanh ngành hàng nào thì được tái bố trí theo ngành hàng đó. Điểm kinh doanh mới được thiết kế tối thiểu là 3m2. Đối với tổ chức hoặc hộ kinh doanh hiện hữu có diện tích điểm kinh doanh dưới 3m2 thì được tái bố trí một điểm kinh doanh có diện tích là 3m2. Nếu điểm kinh doanh có diện tích hơn 3m2 thì được tái bố trí một điểm kinh doanh có diện tích tương ứng hoặc bố trí một số điểm kinh doanh có tổng diện tích tương ứng với diện tích đang sử dụng

Việc chọn vị trí điểm kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc bốc thăm (có điều lệ riêng). Thương nhân có vị trí điểm kinh doanh thuận lợi nơi cũ được tái bố trí vào vị trí kinh doanh thuận lợi tương ứng nơi mới, nếu thương nhân có cùng tiêu chuẩn nhiều hơn số điểm kinh doanh thuận lợi được thiết kế thì tiến hành bốc thăm chọn vị trí điểm kinh doanh thuận lợi.

Tất cả các đơn vị, cá nhân được tái bố trí điểm kinh doanh tại chợ truyền thống Tân Bình tiến hành ký hợp đồng thuê sạp với Ban Quản lý chợ Tân Bình có thời hạn thuê là 30 năm. Giá thuê điểm kinh doanh dự kiến như sau: tầng một: 400 nghìn đồng/m2/tháng; tầng hai: 390 nghìn đồng/m2/tháng; tầng ba 380 nghìn/m2/tháng; tầng bốn 380 nghìn/m2/tháng; tầng năm 370 nghìn/m2/tháng; tầng sáu 360 nghìn/m2/tháng. Giá thuê điểm kinh doanh ngành rau củ quả, thịt cá tại tầng hầm một là 150 nghìn/m2/tháng. Giá thuê điểm kinh doanh ngành ăn uống tại tầng hầm lửng là 300 nghìn/m2/tháng.

Đơn vị, cá nhân nộp tiền thuê sạp một lần với thời gian thuê 30 năm thì được UBND quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp, được thế chấp, được sang nhượng quyền sử dụng sạp trong thời gian thuê sạp.