Bước chuyển quan trọng của khu vực kinh tế trong nước

Đóng góp vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 7,02% và 514 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 có vai trò rất quan trọng của khu vực kinh tế trong nước.

Cụ thể, năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng trưởng 4,2% của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng được cải thiện, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Đây là bước chuyển quan trọng đánh dấu sức vươn mạnh mẽ về xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước sau nhiều năm bị lép vế so với khu vực FDI.

Báo cáo “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố mới đây cho thấy, từ năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nước ta luôn tăng khá cao, nhất là xuất khẩu của khu vực FDI. Nhờ giữ tốc độ tăng trưởng cao bình quân hằng năm lên tới 22,7%, khu vực FDI đã chiếm tỷ trọng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, còn khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng trưởng trung bình 8,8% và giảm tỷ trọng xuống còn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, độ mở của nền kinh tế ngày càng cao, chỉ số thương mại/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng nhanh từ mức 162,9% năm 2011 lên mức 200,3% năm 2017 và đến năm 2019 là 210,4%.

Những con số từ báo cáo cho thấy, khu vực kinh tế trong nước vẫn hướng nội và chưa năng động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng từ năm 2018, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã bắt đầu hình thành và duy trì mạnh mẽ hơn trong năm 2019, chứng tỏ Việt Nam đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu và kinh tế các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam suy giảm.

Nếu hướng ngoại vẫn tiếp tục là một yêu cầu không thể thiếu đối với phát triển kinh tế đất nước, thì tăng cường sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước, kết hợp chủ động hội nhập hơn đã và đang trở thành yếu tố quyết định. Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua là tình trạng phụ thuộc vào khu vực FDI diễn ra không chỉ ở cấp độ ngành, địa phương mà còn trên bình diện cả nền kinh tế. Theo các chuyên gia, để khắc phục điểm mất cân bằng này, không có nghĩa là hạn chế, kìm hãm sự phát triển của khu vực FDI, mà phải tìm giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển với tốc độ nhanh và đồng đều hơn. Và hiện nay, nhiều tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có bước chuyển quan trọng của khu vực kinh tế trong nước, góp phần giữ vững cán cân thương mại theo hướng xuất siêu của Việt Nam.