Tăng giá sữa vô tội vạ - những vô lý không ai kiểm soát

Tại các cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Buồm, Tây Sơn, Núi Trúc… giá các loại sữa Abbott (Hoa Kỳ) do Công ty TNHH 3A phân phối đã tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/hộp tùy trọng lượng, so với hai tuần trước đây. Trong đó, tăng giá mạnh nhất là dòng sữa Pedia Sure dành cho trẻ biếng ăn, chậm tăng cân.

Một hộp sữa Pedia Sure loại 1,8kg trước đây được các đại lý bán với giá dao động từ 600.000 đồng đến 605.000 đồng, nay tăng lên đến 615.000 đồng, loại 900gr tăng từ 350.000 đồng lên 360.000đồng/hộp.

Không chỉ có sữa Abbott, mà một số loại sữa ngoại khác cũng tăng theo như Friso Gold tăng giá đáng kể, từ 325.000 đồng lên 340.000 đ/hộp 900 gr. Sữa XO (Hàn Quốc) tăng giá đến 15%. Các loại sữa “xách tay” từ Ma-lay-si-a, Ốt-strây-li-a... giá cũng tăng từ 10.000-15.000đ/hộp.

Khi chúng tôi thắc mắc về nguyên do tăng giá sữa, một nhân viên bán hàng ở đại lý 23 Lò Đúc cho biết: giá các sản phẩm sữa đều do công ty phân phối quyết định, các đại lý chỉ bán theo giá đó. Lần này, nhà phân phối nói do thuế nhập khẩu sữa tăng, tỷ giá giữa tiền Việt Nam và USD tăng cao, cho nên giá sản phẩm sữa nhập khẩu tăng. Trong khi đó, các công ty phân phối quay lại “đổ lỗi” cho các đại lý, cho rằng các đại lý đã tự động nâng giá bán sản phẩm vì hiện giờ công ty vẫn chưa có quyết định chính thức ngày nào sẽ bắt đầu tăng giá.

Một nguyên nhân khác là công ty bỏ phần chiết khấu hoa hồng cho đại lý nên họ tăng giá để kiếm lời…Chưa biết thực hư thế nào, nhưng người tiêu dùng vẫn bị thiệt thòi nhất, vì bỗng dưng bị “móc túi” một cách công khai. Điều đáng nói là qua theo dõi thị trường trong nhiều năm, tuy nguyên nhân tăng giá khác nhau, nhưng năm nào hãng Abbott-một trong những hãng sữa nhập khẩu có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, thường chọn thường điểm tháng 3 để điều chỉnh tăng giá sản phẩm. Sau đó là “làn sóng” tăng giá của các sản phẩm sữa nhập khẩu và sản xuất trong nước khác.

Trên thực tế, các ngành chức năng chưa hề có quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa. Theo các chuyên gia kinh tế, ngay cả nếu áp dụng tăng thuế nhập khẩu đối với sữa bột cũng không tác động nhiều đến giá thành sản phẩm bởi vì, giá nguyên liệu sữa trên thế giới trong nhiều tháng qua giảm mạnh đến 60. Năm 2007, giá nguyên liệu sữa bột nguyên kem có lúc lên trên 5.000 USD/tấn, nhưng đến cuối năm 2008 giảm xuống còn 2.000 USD/tấn, sữa bột gầy còn 1.850 USD/tấn. Trong tháng 1-2009, giá nguyên liệu sữa tiếp tục giảm thêm 100 USD/tấn, còn 1.750 USD/tấn. Thế nhưng một năm qua, không một hãng, nhà phân phối sữa nào trong nước chịu giảm giá. Giá sữa giảm thì kéo theo thuế thực đóng sẽ giảm theo.

Đó là chưa kể sữa bột nguyên liệu chỉ chiếm một phần trong giá thành, nên cho dù thuế nhập khẩu sữa tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá bán ra của các hãng sữa. Giá thành sản phẩm sữa bột bap gồm chi phí nguyên, phụ liệu đầu vào và chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công thương, một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sữa tăng lên là do chi phí dành cho quảng cáo marketting, tiếp thị, đưa ra mức chiết khấu, ưu đãi cao cho cửa hàng, đại lý của các hãng thường cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi so với mức quy định.

Rõ ràng việc các đại lý, nhà phân phối sữa vin vào cớ thuế nhập khẩu tăng để tăng giá bán sản phẩm sữa là không chính đáng, cốt để trục lợi. Đề nghị các cơ quan quản lý giá lập ngay tổ công tác để kiểm soát giá sữa trong thời điểm nhạy cảm này. Nếu phát hiện cơ sở nào tăng giá bất hợp lý, vượt quá ngưỡng cho phép sẽ thu hồi lợi nhuận chênh lệch, thậm chí rút giấy phép kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn thiếu đứng đắn như vậy.