Sản xuất lúa Global GAP ở Tiền Giang

NDO - Lần đầu tiên trên cả nước, người nông dân vùng sâu, chịu ảnh hưởng lũ hằng năm của xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) đã áp dụng và sản xuất thành công cây lúa theo tiêu chuẩn Global GAP.

Việc này không chỉ mở ra hướng đi mới bền vững cho cây lúa, mà còn đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nhà nông: bảo vệ môi trường, người trồng lúa, đạt lợi nhuận cao và nhất là những vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn một thời nay đã thật sự đổi thay, xuất hiện ngày càng nhiều 'làng' nông thôn mới với mô hình khép kín: Nhà cửa khang trang, ruộng đồng sạch đẹp.

Vạn sự khởi đầu nan

Mỹ Thành Nam (MTN) là xã vùng sâu, hằng năm bị ảnh hưởng lũ thuộc huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Kinh tế chủ lực của xã lệ thuộc hoàn toàn vào sản xuất cây lúa với 1.429 ha, thâm canh ba vụ lúa/năm. Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cai Lậy cho biết: 'Ðể làm cuộc cách mạng trên đồng ruộng nhằm cải thiện và nâng cao đời sống người trồng lúa, tỉnh, huyện đã quyết tâm chọn nơi đây xây dựng thí điểm nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bằng các chương trình 'Sức khỏe hạt giống', chương trình 'Quản lý chuột cộng đồng', chương trình 'Cánh đồng lúa sạch', chương trình '3 giảm, 3 tăng' và chương trình 'Xây dựng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn' (CLC, AT). Thực tế cho thấy, nông dân MTN đã áp dụng các quy trình kỹ thuật rất thành công, nhất là quy trình 'sản xuất lúa CLC, AT' mang lại hiệu quả thiết thực: giảm chi phí sản xuất, giá bán lúa cao hơn và tăng lợi nhận từ 14,81% đến 18,25% so với ngoài vùng quy hoạch và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể 'Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo quy trình an toàn được chứng nhận' cho HTX Mỹ Thành.

Tuy đã thành lập được HTX đảm nhiệm chức năng hướng dẫn xã viên là nông dân sản xuất theo quy trình CLC, AT và tiêu thụ sản phẩm sản xuất, nhưng đây chỉ là điều kiện 'cần', chưa 'đủ' để  gạo CLC, AT Mỹ Thành được tiêu thụ rộng rãi vì không có địa chỉ tiêu thụ riêng, vẫn phải bán cho thương lái như lúa sản xuất bình thường, tuy giá có cao hơn 100 - 200 đồng/kg. Ðể giải bài toán khó này, một lần nữa Nhà nước, nhà khoa học và nông dân MTN đã liên kết một cách chặt chẽ, đồng bộ trong việc nâng tầm hạt lúa lên mức đạt tiêu chuẩn toàn cầu, đủ điều kiện hấp dẫn nhà doanh nghiệp tham gia tiêu thụ hạt lúa MTN cả trong, ngoài nước. Tiến sĩ Hải tâm sự: Tháng 6-2008, Phòng NN và PTNT huyện kết hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang hỗ trợ cho HTX Mỹ Thành thực hiện đăng ký và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP (SXGG). Do tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt nên bước đầu chỉ được triển khai thực hiện với quy mô diện tích 11,4 ha của 15 hộ tham gia (các diện tích tham gia liền khu với nhau và các hộ dân đều là xã viên của HTX). Qua kết quả kiểm tra đánh giá, HTX Mỹ Thành cũng như các hộ nông dân đã thực hiện tốt các nội dung yêu cầu đặt ra và đã được Công ty TNHH TẬV SẬD  PSB Việt Nam trao chứng nhận cho HTX Mỹ Thành, đây là mô hình sản xuất lúa gạo đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này. Ðồng thời, toàn bộ sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP được công ty TNHH ADC bao tiêu với giá cao hơn 20% so với thị trường. Như vậy, bên cạnh việc bán được giá cao, người nông dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm - đã đáp ứng được mong muốn của rất nhiều xã viên của HTX cũng như nông dân Cai Lậy.

'Làng nông thôn mới' đã xuất hiện

Bây giờ về Cai Lậy, đi đến đâu cũng nghe bà con nông dân rôm rả chuyện làm lúa Global GAP. Câu chuyện thời sự này nhanh chóng lan tỏa khắp nơi. Sức hấp dẫn của quy trình sản xuất lúa đã lôi cuốn nông dân trong vùng tự nguyện tham gia ngày càng nhiều. Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành Trương Văn Bảy cho biết: HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Thành được thành lập vào tháng 11-2004. Ban đầu có 68 xã viên với 51 ha, nay đã tăng lên 189 ha với 209 hộ nông dân ở hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc tham gia. Bí thư Ðảng ủy xã MTN Nguyễn Văn Chớ nói: Từ một xã vùng sâu, xa, hẻo lánh khó khăn, nhờ làm lúa Global GAP, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cho lợi nhuận cao, nông dân ở đây mê lắm. Và từ đây, vùng lũ MTN đã từng bước thay da đổi thịt. Nhiều ấp trong xã đã thoát nghèo, giàu lên nhanh chóng, nhà cửa khang trang, đồng ruộng sạch đẹp.

Chúng tôi đến ấp 5, rồi sang ấp 9 của MTN thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay. Xóm, ấp này không khác gì một phố thị thu nhỏ: Nhà cửa đều được tường hóa, ngói hóa, sạch sẽ ngăn nắp, nền nếp. Ở mỗi ngôi nhà đều phân khu vực: Nơi đây là sân phơi lúa; kho chứa vật tư, dụng cụ lao động, khu vực chứa lúa, khu ăn uống, nhà vệ sinh, phía sau nhà đều có hầm bioga phục vụ việc chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường và dùng làm chất đốt cho gia đình nông hộ. Còn ngoài đồng ruộng, xã viên, nông dân áp dụng quy trình đều tuân thủ các quy định nghiêm ngặt: An toàn cho người tiêu dùng; An toàn cho người lao động; An toàn cho môi trường. Bên cạnh đó, nông dân được tập huấn về các quy định bảo đảm vệ sinh môi trường đối với ruộng sản xuất và khu vực chung quanh nhà ở. Chính vì thế, những khu vực sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP và chung quanh nhà ở của nông hộ hoàn toàn không có rác thải, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó góp phần tạo cảnh quan nông thôn thêm văn minh, lịch sự.

Chúng tôi đến ấp 3, xã Mỹ Thành Bắc có hơn 300 hộ dân sinh sống - nơi đây được xem là một 'mô hình nông thôn mới kiểu mẫu'. Ðúng vậy, đi suốt chiều dài hàng km của ấp chúng tôi vẫn không thấy mệt chút nào, vì đường đi thông thoáng, sạch sẽ, bóng cây râm mát. Ghé vào bất cứ ngôi nhà nào cũng thấy một không khí đầm ấm tình quê: Nhà cửa thật tươm tất, ngăn nắp không chê vào đâu được. Bí thư Ðảng ủy xã Mỹ Thành Bắc Phan Văn Tiện vui vẻ cho biết: Nhờ thực hiện quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP mà đời sống nông dân ở đây thay đổi nhanh chóng. Tính bình quân ba vụ lúa trong năm, nông dân lãi cầm chắc trong tay hơn 60 triệu đồng/ha sau khi đã trừ toàn bộ chi phí. Anh Phan Văn Thuật, xã viên HTX Mỹ Thành, tổ trưởng Chương trình GAP ở ấp 3 Mỹ Thành Bắc cho biết: Ngoài sản xuất lúa theo chương trình cho lợi nhuận cao, bà con ấp 3 còn được Nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi theo dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản cũng đang phát triển rất tốt. Tính bình quân mỗi đợt xuất chuồng lợn giống mỗi hộ lãi từ 20 đến 50 triệu đồng, tùy theo quy mô đàn lợn nái. Ðiển hình như hộ anh Nguyễn Văn Trải (ấp 3, MTB), canh tác 1,6 ha lúa theo quy trình GAP, cộng với chăn nuôi lợn nái sinh sản, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh tâm sự, ngoài số lãi trên, bà con nơi đây còn tận dụng chất đốt từ hầm bioga sử dụng quanh năm không hết, tiện lợi lắm.

Từ những lợi ích thiết thực của việc áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP, năm 2010 được đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh Tiền Giang, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cai Lậy đã giúp HTX Mỹ Thành mở rộng diện tích áp dụng lên 95,6 ha của 101 xã viên ở địa bàn hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc. Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành tâm sự, hiện nay có rất nhiều nông dân ở các xã lân cận tự nguyện nộp đơn xin vào HTX, nhưng HTX đang cân nhắc vì đầu ra còn lệ thuộc vào đơn vị bao tiêu. Nếu được ngành lương thực Việt Nam chú ý đứng ra bao tiêu cho hạt lúa đạt chuẩn Global GAP ở Tiền Giang thì diện tích sản xuất lúa chắc chắn sẽ ngày càng được mở rộng, nông dân rất vui mừng và phấn khởi, nhiều vùng nông thôn sẽ thoát nghèo và làm giàu nhanh chóng.