Chống đầu cơ, bình ổn giá thời "gạo châu củi quế"

Cần Thơ quyết liệt hạ sốt ảo giá gạo

Tại cuộc họp bất thường do Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ triệu tập bàn các biện pháp chấn chỉnh đầu cơ tăng giá gạo gây bất ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu gạo, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: “Tôi biết được thông tin giá gạo tăng đột biến là nhờ những bà nội trợ” và chỉ trích “Hệ thống thông tin của các cơ quan thương mại, quản lý thị trường chậm chạp và lạc hậu, không theo kịp tình hình”

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, chỉ tính riêng vụ Đông xuân vừa thu họach, Cần Thơ có 620 ngàn tấn lúa, nếu trừ cho lượng gạo ăn và lúa giống cả năm khỏang 400 ngàn tấn thì Cần Thơ vẫn còn dư ra 220 ngàn tấn lúa dự trữ trong dân và tại các doanh nghiệp. Do đó cân đối lương thực tại Cần Thơ hòan tòan đảm bảo, không lo thiếu gạo, kể cả cho xuất khẩu, cho nên việc tăng giá gạo đột biến từ 50%-100% giá thành trong ngày 26 và 27-4 là cơn sốt ảo, không bình thường, cần phải chấn chỉnh, nhất là xảy ra tại Cần Thơ - đầu mối kinh doanh lương thực cho cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Hàng loạt những biện pháp hành chính mạnh được UBND thành phố Cần Thơ triển khai trong ngày 28-4 là: chỉ đạo Sở Thương mại kiểm tra giá đầu vào và đầu ra của mặt hàng gạo tại các đại lý, điểm bán gạo; cơ quan Thuế kiểm tra và truy thu những chủ đại lý, điểm bán gạo tự ý bán gạo vượt khung giá cho phép của Hiệp hội lương thực; Chi cục Quản lý thị trường giám sát việc niêm yết giá gạo tại các đại lý, điểm bán gạo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mà vẫn mua vét, đầu cơ lúa gạo.

Chiều ngày 28-4, lãnh đạo UBND các quận, huyện thành lập đoàn kiểm tra việc bán gạo tại các đại lý, điểm bán gạo lẻ, đồng thời đề nghị các nhà máy xay xát hoạt động bình thường.

Từ đầu giờ chiều ngày 28-4 đến trưa ngày 29-4, theo lệnh của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Sở Thương mại thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Kinh tế các quận huyện Trung tâm thành phố kết hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh gạo trên địa bàn, tổ chức một số điểm bán gạo trực tiếp cho người dân ở các địa bàn trung tâm với giá thấp hơn thị trường.

Thành phố giao chỉ tiêu cho Công ty Chế biến lương thực Thốt Nốt Gentraco là bán trên 100 tấn gạo/ngày; Công ty Nông trường Cờ Đỏ: 100 tấn/ngày; Công ty lương thực Sông Hậu: 300 tấn /ngày kể từ 29/4/2008; Công ty Mê Kông Cần Thơ và Công ty Nông sản xuất khẩu sẽ tham gia với số lượng gạo theo yêu cầu.

Các công ty trên tự tổ chức hơn mười điểm bán gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo giá niêm yết từ ngày 29-4, giá gạo thường (5% - 15%/tấn) từ 11.000-12.000 đồng/kg, gạo thơm từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, các siêu thị và Metro Hưng Lợi cũng tham gia bán gạo. Xem như từ trưa ngày 28-4 đến chiều ngày 29-4, ba công ty kinh doanh lương thực lớn của Cần Thơ là Gentraco, Nông trường Cờ Đỏ và Công ty lương thực sông Hậu cung ứng cho thị trường Cần Thơ 500 tấn gạo, với khung giá của Hiệp hội lương thực và Tổng công ty lương thực miền nam.

Chúng tôi thị sát các đại lý, điểm bán gạo tại thành phố Cần Thơ nhận thấy: Vào buổi sáng 28-4, giá gạo vẫn ở mức cao như ngày 27-4.  Tình hình biến chuyển vào chiều ngày 28-4, giá gạo sụt giảm từ 2.000-3.000đ/kg.

Tại khu vực chợ Xuân Khánh, các đại lý bán gạo cho biết hôm 27-4, các nhà máy xay xát không cung ứng gạo, hoặc cung ứng nhỏ giọt, đến trưa ngày 28-4 thì việc cung ứng gạo từ các nhà máy đã trở lại bình thường. Ban Giám đốc siêu thị Coop-Mark cho biết ngày 27-4 không còn hạt gạo để bán vì giá bán gạo tại siêu thị theo khung giá của Hiệp hội lương thực nên rẻ hơn các chợ trong thành phố(theo khảo sát thì rẻ hơn bên ngoài từ 3.000-4.000đ/kg).

Ngày 28-4, siêu thị Coop-Mark nhập hơn 3 tấn gạo của Công ty lương thực Vĩnh Long với giá xuất kho là 17.000đ/kg, sau khi tính tóan chi phí, siêu thị sẽ bán ra với giá hợp lý. Nhìn chung do sức mua gạo tăng cao trong ngày 27 và 28-4, gấp 4-5 lần so với những ngày bình thường, hơn nữa bán với giá quy định nên phần lớn các siêu thị không đủ hàng để bán.

Trực tiếp khảo sát các đại lý, điểm bán gạo tại các chợ nằm trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các chủ hàng niêm yết giá bán gạo, bán theo giá quy định, không ghim hàng và cung cấp cho họ các địa chỉ đầu mối kinh doanh gạo từ các công ty nhà nước, đề nghị họ liên hệ trực tiếp, đảm bảo không thiếu gạo cung ứng ra thị trường.

Trong ngày 28-4, các doanh nghiệp nhà nuớc cung ứng ra thị trường hơn 200 tấn gạo đã trực tiếp hạ nhiệt cơn sốt tăng giá gạo của ngày 27-4. Đến 14h ngày 28-4, giá gạo tại các chợ trên địa bàn quận Ninh Kiều không tăng, có chiều hướng giảm, tuy nhiên giá gạo vẫn không thống nhất ở mặt bằng chung mà tùy từng nơi có sụt giảm khác nhau, bình quân giá gạo giảm so với ngày 27-4 từ 1.000đ đến 3.000đ/kg.

Sức mua của người dân đã giảm, không còn tình trạng chờ mua ở các điểm bán gạo. Các cửa hàng bán gạo đã mở cửa họat động bình thường. Nguồn gạo cung cấp từ các doanh nghiệp đã tương đối ổn định(từ các huyện Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh được đưa về các chợ liên tục), tuy nhiên một số doanh nghiệp tư nhân đưa gạo ra thị trường thành phố với số lượng còn hạn chế, giá còn cao.

UBND quận Ninh Kiều đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Ban quản lý các chợ theo dõi tình hình và động viên các hộ kinh doanh gạo nhiệt thành phục vụ nhân dân, đồng thời chỉ đạo Đài Truyền thanh liên tục đưa tin về các giải pháp của Chính phủ nhằm bình ổn giá gạo nhằm góp phần ổn định tâm lý trong dân. UBND quận Ninh Kiều kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ áp dụng các biện pháp mạnh mang tính cưỡng chế nhằm tác động đến các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo để bình ổn thị trường, xóa bỏ nạn đầu cơ ghìm hàng lúa gạo.

Anh Hai Lưu, một người nuôi cá tra ở huyện Thốt Nốt cho biết:-“Thật hết biết, thời điểm năm trước cứ giá bán 1kg cá tra quy đổi được 4 kg gạo, đến đầu năm 2008 thì cứ 1 kg cá tra quy đổi được 2 kg gạo, còn đến giờ này thì 1kg cá tra không thể mua nổi 1kg gạo. Gạo tăng dẫn đến giá cám tăng, từ 4.000 đ/kg thì hiện nay đã lên tới 5.500đ/kg, mà cám là nguyên liệu chính làm thức ăn nuôi cá, vậy thì nghề nuôi cá sẽ rất bấp bênh nếu giá gạo bị thả nổi và không điều chỉnh xuống”.

Tuy giá gạo trên tòan thành phố Cần Thơ có sụt giảm bình quân 2.000đ/kg, tuy nhiên vẫn đứng ở mức cao, tại các chợ giá gạo bán lẻ từ 13.000 đến 20.000đ/kg, cao hơn ngày thường từ 6.000 đến 8.000đ/kg.

Một điều đáng mừng là mặc dù giá gạo tăng một cách bất thường trong vài ngày qua, nhưng hầu hết các bếp ăn tập thể, căng tin nhà máy, xí nghiệp, các quán ăn, nhà hàng tại thành phố Cần Thơ đều không tăng tiền cơm, nhiều chủ cơ sở chịu bù lỗ và hy vọng chính quyền sẽ nhanh chóng bình ổn được giá gạo.

Cần Thơ là trung tâm của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, bởi vậy không thể chấp nhận vì lý do này lý do nọ để lúa gạo vừa tăng giá một cách đột biến, vừa không có gạo để bán làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người dân.

Chấn chỉnh đầu cơ tăng giá gạo là nghĩa vụ và trách nhiệm của Chính quyền thành phố Cần Thơ, là một trong những nội dung cụ thể của việc bình ổn giá cả và chống lạm phát.