Bộ trưởng GDĐT kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Huế

NDO -

Ngày 18-7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cùng Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT với lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành của Thừa Thiên Huế.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT với lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành của Thừa Thiên Huế.

Tích cực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT

Báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tân cho biết, năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế có 12.576 thí sinh dự thi. Trong đó, có 779 thí sinh tự do, 404 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên; được bố trí tại 35 điểm thi.

“Các điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất tại địa điểm đặt Ban chấm thi, Ban làm phách; bố trí đầy đủ các camera ở khu vực chấm thi theo quy định của Quy chế thi” – ông Tân báo cáo.

Theo Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đã triển khai công tác chuẩn bị kỳ thi theo đúng hướng dẫn và thời gian quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26-5-2020 của Bộ trưởng GD-ĐT.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020; họp và đã phân công nhiệm vụ của từng thành viên Ban chỉ đạo; Ban hành Chỉ thị về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tổ chức Hội nghị phổ biến về công tác thi. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho kỳ thi, hồ sơ thi, phương án đảm bảo an toàn tại 35 điểm thi chính thức và chín điểm thi dự phòng.

Đến thời điểm này, toàn bộ các nội dung, công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện đều được tỉnh tích cực triển khai kịp thời, đáp ứng yêu cầu, tiến độ tổ chức kỳ thi.

Lưu ý với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tỉnh cần tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, lên phương án cho một số tình huống có thể xảy ra. Chỉ đạo việc vận chuyển đề thi, bài thi cần tính đến điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

Đối với công tác coi thi, Bộ trưởng yêu cầu quy trách nhiệm đến người thực hiện, trong đó có vai trò của Trưởng điểm thi, từng giám thị.

Đối với công tác thanh tra, theo Bộ trưởng là để phòng ngừa chứ không phải để xử lý, vì vậy, tập huấn thanh tra phải được làm thật kỹ, ai nắm chắc mới đưa vào đoàn thanh tra, nếu không chắc không đưa vào.

Bộ trưởng cũng lưu ý, công tác chấm thi phải tuyệt đối bảo mật và an toàn; việc phân tích phổ điểm, xử lý thông tin trong và sau kỳ thi phải nhịp nhàng, trôi chảy.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần dành nhiều quan tâm cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến, thực hiện tốt việc phân công trách nhiệm trong công tác tổ chức, bám sát các chỉ đạo của Bộ, trong trường hợp có vướng mắc gì thì phải kịp thời báo cáo Bộ chỉ đạo xử lý, tránh để sai sót xảy ra.

Chủ động, sáng tạo trong việc đổi mới sách giáo khoa

Về việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 15-2-2020 để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Kế hoạch tập trung vào ba nhiệm vụ chủ yếu: bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; rà soát và chuẩn bị cơ sở vật chất thiết bị đáp ứng chương trình mới; biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp và điều kiện để chuẩn bị đổi mới chương trình lớp 1 từ năm học 2020-2021 như bảo đảm cơ sở vật chất cho 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, 100% trường tiểu học có đầy đủ các thiết bị dạy học phòng bộ môn theo quy định.

Đồng thời đã ban hành Quyết định 872/QĐ-UBND ngày 3-4-2020 về quy định Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Thừa Thiên Huế và triển khai đến các cơ sở giáo dục tiểu học. 

Đến nay, Sở GD-ĐT đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 1, đã có 42/46 đầu sách của năm nhà xuất bản được lựa chọn.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 36/KH-UBND ngày 15-2-2020 về biên soạn và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục địa phương trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12; trong đó, UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT phối hợp với nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín gắn bó với Huế để hoàn thiện khung chương trình giáo dục địa phương và tiến hành xuất bản để kịp đưa vào sử dụng năm học 2020-2021. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: “Đổi mới tới đây không chỉ trông đợi vào chương trình hay sách giáo khoa mà còn trông đợi vào chính sự chủ động, sáng tạo của mỗi thầy cô giáo. Trong quá trình dạy học, rất khuyến khích các thầy cô đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các thầy cô sử dụng nhiều sách giáo khoa, nhiều tài liệu, lãnh đạo ngành giáo dục thông tin”.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đã tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng GD-ĐT, đồng thời đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ trưởng tại buổi làm việc.

Đồng chí Bùi Thanh Hà khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên và học sinh. Đồng thời, sẽ chỉ đạo tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đạt kết quả tốt, không để xảy ra tiêu cực. Tỉnh cũng mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm đến Đại học Huế và các nội dung liên quan đến việc đầu tư, phát triển giáo dục tại địa phương.