Ðác Nông ưu tiên ngân sách cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh và đồng bào người dân tộc thiểu số, tỉnh Ðác Nông phấn đấu đến năm 2020, trẻ em người dân tộc thiểu số từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ hơn 75%. Trong đó, tỷ lệ trẻ năm tuổi đạt 95% trở lên; các em đủ sáu tuổi đều được chuẩn bị điều kiện để vào lớp một. Tất cả trẻ em trong độ tuổi tiểu học được học và hoàn thành chương trình này trước khi vào bậc THCS. Sau khi tốt nghiệp THCS, ít nhất 5% số học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề kết hợp với học THPT hệ giáo dục thường xuyên. Ðối với học sinh THCS và THPT, tỉnh phấn đấu có hơn 85% số học sinh người dân tộc thiểu số có học lực từ trung bình trở lên; hơn 60% số học sinh tốt nghiệp THPT được học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đ&a

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tỉnh Ðác Nông trong giờ học giáo dục thể chất. Ảnh: THANH TRÚC
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tỉnh Ðác Nông trong giờ học giáo dục thể chất. Ảnh: THANH TRÚC

Hằng năm, tỉnh tổ chức khảo sát chất lượng từ đầu năm học để có hướng giảng dạy, bồi dưỡng phù hợp từng đối tượng học sinh. Ngành giáo dục tỉnh tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số trong nhà trường; chú trọng tổ chức giáo dục học sinh tự chăm sóc bản thân, giáo dục tính tự lập, tính kỷ luật, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách Nhà nước cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ học tập, ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh. Tỉnh sẽ quy hoạch, sắp xếp hoàn thiện hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo từng địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em của người dân trong vùng được tham gia học tập.

★ Tại Lâm Ðồng, lượng khách du lịch tăng đều mỗi năm với mức bình quân 9,5%, trong đó tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế đạt 28,4%. Từ ngành du lịch, số lượng lao động có công việc ổn định khoảng 11.700 người. Tại thành phố Ðà Lạt, có hai trường đại học và bốn trường cao đẳng, đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực ngành du lịch. Cùng với việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống địa phương như du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng… tỉnh Lâm Ðồng cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn để thu hút khách du lịch như Festival Hoa Ðà Lạt, Tuần lễ văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc… Tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch canh nông với 30 điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trà, rau, hoa; du lịch mạo hiểm như leo núi, vượt thác, xe đạp địa hình; triển khai đề án "Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch"…

Với phương châm đưa du lịch Lâm Ðồng trở thành điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng", tỉnh đã triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng có ý thức hơn về đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội, góp phần phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững. Thời gian tới, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch, nhất là các dự án tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; triển khai Ðề án "Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch đến năm 2025"; đẩy mạnh công tác vận động toàn dân nêu cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Tỉnh cũng chú trọng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh.