50 năm trường Phan Bội Châu:Từ những lớp chuyên đặc biệt đầu tiên

NDO -

NDĐT - Năm 1965, Nghệ An đã mở các lớp chuyên toán “đặc biệt” đầu tiên do các thầy giáo Phạm San, Nguyễn Duy Tịnh, Nguyễn Khắc Tuệ, Nguyễn Tiến Lễ… giảng dạy và chủ nhiệm.

Đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế trường Phan báo công dâng Bác tại tượng đài Bác Hồ, Quảng trường Hồ Chí Minh.
Đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế trường Phan báo công dâng Bác tại tượng đài Bác Hồ, Quảng trường Hồ Chí Minh.

Đó là một trong những lớp chuyên toán đầu tiên được mở nhằm thực hiện Quyết định 198/CP ngày 14-9-1965 của Hội đồng Chính phủ về việc mở những lớp cấp 3 phổ thông dạy học sinh có năng khiếu về toán. Rồi những niên khóa tiếp theo, mặc dù bom đạn ngày đêm cày xéo, nhưng với tư duy sáng tạo, từ năm 1969, Ty Giáo dục Nghệ An lại tiếp tục mở thêm lớp chuyên Văn đặt ở Trường cấp 3 Đô Lương I.

Thầy giáo Phan Huy Huyền rồi tiếp đến các thầy Nguyễn Duy Tý, Hoàng Quỳ, Nguyễn Tấn Dương… là những thầy giáo đầu tiên giảng dạy và phụ trách các lớp chuyên văn. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn gian khó của một tỉnh thuộc tuyến lửa miền Trung, nhân dân Nghệ An đang tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, đồng thời vẫn dành tình cảm, miếng cơm, manh áo chăm sóc những mầm non nhân tài cho quê hương, đất nước. Tình cảm yêu thương, chăm sóc cùng truyền thống hiếu học của quê hương là động lực giúp thầy và trò vươn lên, vượt qua mọi thiếu thốn vất vả, phấn đấu dạy tốt học tốt.

Thế hệ học trò vừa hồng vừa chuyên chín năm thuở ấy nay đã trưởng thành, là cán bộ cốt cán trong các lĩnh vực, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng tổ quốc. Nhiều người là anh hùng lao động, là giáo sư, tiến sĩ, là chuyên gia hàng đầu trong các ngành khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, kinh tế, quản lý nhà nước...

Trường chuyên đầu tiên của miền Bắc Ngày 15-10-1974, tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, đoàn lãnh đạo tỉnh Nghệ An do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập trường Năng khiếu cấp ba nội trú trên cơ sở hợp nhất các lớp cấp ba phổ thông chuyên văn, chuyên toán đang học tập trung tại các trường cấp ba Đô Lương 2 và cấp ba Thanh Chương 1. Nghệ An tự hào là tỉnh có trường chuyên đầu tiên của miền Bắc, loại hình trường học có nhiệm vụ trên cơ sở giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

50 năm trường Phan Bội Châu:Từ những lớp chuyên đặc biệt đầu tiên ảnh 1

Đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế, năm 2011.

Năm 1977, trường mang tên Trường năng khiếu cấp ba Nghệ Tĩnh, sau này đổi tên thành Trường chuyên Phan Bội Châu. Từ năm 1977-1981, địa điểm trường đóng tại xã Hưng Lộc, TP Vinh; thời gian này (cho đến năm 1991) nhà trường tuyển sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ năm 1981 đến nay, trường tọa lạc tại số 48 Lê Hồng Phong, TP Vinh. Từ sáu lớp chuyên toán, chuyên văn và 39 cán bộ giáo viên, cán bộ công nhân viên của ngày đầu thành lập; đến nay trường có 33 lớp, đầy đủ 11 môn chuyên (Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp, Nga) với 107 cán bộ, giáo viên, nhân viên; hai TS toán học, hai người đang làm nghiên cứu sinh (Hóa học, Ngữ văn), 80 thạc sĩ, hai người đang học thạc sĩ. “Lò” đào tạo người tài Năm mươi năm hệ chuyên, bốn mươi năm thành lập trường chuyên, mái trường này đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều thế hệ học trò khổ học thành tài.

Những thế hệ học trò trường Phan khi “ra lò” đều phát huy tốt phẩm chất, trí tuệ của quê hương “thầy đồ xứ Nghệ”, của xứ sở từ xưa đã nổi tiếng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, vào sự phát triển giáo dục và đào tạo của quê hương, đất nước.

Các thế hệ học sinh của nhà trường đã làm rạng danh mái trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của quê hương xứ Nghệ. Đã có 26 lượt học sinh dự thi quốc tế và khu vực ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học trong đó có bốn huy chương vàng, năm huy chương bạc, tám huy chương đồng, ba bằng khen.

Với hơn 1.000 học sinh đạt giải quốc gia, trường luôn nằm trong top đầu cả nước trong nhiều năm liền. Đặc biệt, năm học 2013–2014, trường có 84 giải, xếp thứ nhất toàn quốc về kết quả học sinh giỏi quốc gia. Hàng vạn học sinh các thế hệ vào đại học, với nhiều thủ khoa các trường danh tiếng, đã góp phần quan trọng vào việc tạo nguồn đào tạo cán bộ chất lượng cao vừa hồng vừa chuyên.

Ghi nhận công lao các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và các em học sinh, Đảng và Nhà nước đã trao phần thưởng cao quý cho trường Phan: hai lần được Chính phủ tặng cờ Thi đua (2003, 2007), Huân chương Lao động hạng ba (1994), Huân chương Lao động hạng hai (1999), Huân chương Lao động hạng nhất (2004), Huân chương Độc lập hạng ba (2009), Anh hùng Lao động (5-2013), hai lần được tôn vinh trong chương trình Vinh quang Việt Nam (2007, 2013).

50 năm trường Phan Bội Châu:Từ những lớp chuyên đặc biệt đầu tiên ảnh 2

Lễ trao thưởng học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2008.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều lần trường đã vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và địa phương đến thăm và làm việc vào các dịp khai giảng, kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam hàng năm.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, thầy trò trường Phan đã đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm trường (5-2005) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự lễ khai giảng năm học 2011-2012. 16 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 6 nhà giáo được tặng Huân chương Lao động hạng ba, 20 nhà giáo được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm lượt nhà giáo được tặng thưởng bằng khen của các cấp, các ngành.

Ngày 2-4-2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 1317/QĐ/UBND phê duyệt đề án “Xây dựng và phát triển trường THPT chuyên Phan Bội Châu trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao giai đoạn 2010-2020” với tổng nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến hơn 302 tỷ đồng. Mục tiêu chung của đề án là đầu tư xây dựng trường trở thành trường THPT chuyên trọng điểm, chất lượng cao của khu vực Bắc Trung Bộ, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đó là những điểm tựa vững chắc để nhà trường tiếp tục phát triển trong thời gian tới.