Tiêu hủy hàng tồn - thói quen tai hại

Hàng mới... cũng bị vứt bỏ

Ở Pháp, việc tiêu hủy hàng gia dụng sẽ bị cấm khi luật mới có hiệu lực. Ảnh: AFP
Ở Pháp, việc tiêu hủy hàng gia dụng sẽ bị cấm khi luật mới có hiệu lực. Ảnh: AFP

Đầu năm nay, một nhà bán lẻ quần áo trẻ em ở Toronto (Canada) bị chỉ trích kịch liệt vì thẳng tay vứt đi những món hàng không bán được. Cô Natasha McKenna đã mô tả những túi rác đựng đầy quần áo trẻ em Carter’s Oshkosh bị vứt bên ngoài Dufferin Mall, một trung tâm mua sắm ở Toronto là hết sức lãng phí và đáng giận. Bởi vì “không những chúng bị vứt đi, mà còn bị làm hỏng để không ai có thể sử dụng được nữa”, cô viết trên facebook. Những mặt hàng bao gồm găng tay, tất, đồ chơi và quần áo bị cắt hoặc rạch ra và cho vào túi rác. Chỉ chưa đầy 48 giờ sau đó, bài viết và những bức ảnh trên facebook của cô được chia sẻ gần 10 nghìn lần với vô số ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ trước cách hành xử của công ty này.

Vứt bỏ hoặc tiêu hủy các mặt hàng tồn kho không phải là việc hiếm thấy trong ngành thời trang, đặc biệt là thời trang giá rẻ, ở khắp nơi trên thế giới. Và tác động sinh thái của nó vô cùng tồi tệ, bởi theo Ngân hàng thế giới từ 17-20% ô nhiễm nước là do mầu nhuộm và xử lý vải. Trong trường hợp trên, tuy sau đó người đại diện của nhãn hàng nói rằng nó “bị tiêu hủy bởi không an toàn cho người sử dụng”, nhưng có hẳn một “quy trình tiêu hủy” hàng hóa không bán được đã được xác nhận. Cô Kristina Lovesey, 28 tuổi, làm việc tại cửa hàng Winners ở Ottawa nhớ rằng cô được hướng dẫn “cắt chất liệu đó hoặc loại bỏ hết nhãn mác để sản phẩm hoặc không thể dùng được nữa hoặc không còn ai thích nữa, giày sẽ bị cắt bỏ lưỡi gà hoặc bị cắt đế, túi sẽ bị cắt rời quai...”, cô nói.

Những hãng thời trang giá rẻ khổng lồ như H&M, Zara và Nike đã phải đương đầu với vô số chỉ trích bởi tiêu hủy hàng tồn, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Một bài báo trên tờ New York Time năm 2017 cho biết, một cửa hàng Nike đã phá hỏng các đôi giày thể thao để chúng không mang được nữa. Cũng trong năm đó, H&M bị cáo buộc đã thiêu hủy tới 12 tấn quần áo không bán được mỗi năm kể từ năm 2013 bởi một nhà báo Đan Mạch, dù hãng nói rằng những sản phẩm này không phù hợp để tái sử dụng. Hãng thời trang xa xỉ của Anh Burberry cũng đã tiêu hủy vô số sản phẩm bao gồm túi, phụ kiện và nước hoa trị giá tới 33,8 triệu bảng năm 2018 để bảo vệ tính độc quyền cũng như giá trị thương hiệu của mình bởi không muốn chúng bị bán rẻ ở chợ đen.

Đó chỉ là một phần nhỏ trong một bức tranh rộng lớn. Tiêu hủy hàng tồn kho hay hàng bị trả lại trong ngành thương mại điện tử là một trong những vấn đề gây bức xúc trong xã hội bởi lượng lãng phí khổng lồ, chưa kể cái giá môi trường phải trả khó tính đếm hết. Các nhà bán lẻ ở châu Âu đã tiêu hủy vô số những mặt hàng có thể sử dụng được bao gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử. Ở Đức, ước tính cho thấy lượng hàng hóa bị tiêu hủy có thể trị giá tới bảy tỷ euro mỗi năm. Chính phủ Pháp ước tính con số này là vào khoảng 800 triệu euro mỗi năm. Điều này đang gióng tiếng chuông báo động cho ngành lập pháp ở các quốc gia trong việc cố gắng kiểm soát rác thải và giảm bớt phát thải khí các-bon khi người mua hàng chuyển sang mua sắm trực tuyến ngày một nhiều.

Nhà báo môi trường Adria Vasil nói trên Đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR rằng, với tốc độ mua sắm trực tuyến tăng nhanh thì ngày nay, chúng ta đang trả lại hàng nhiều hơn tới 95% so với trước đây. Việc trả lại hàng này là do thói quen “chúng ta bị hấp dẫn mua nhiều hơn nhu cầu và trả lại những cái không vừa hoặc không phù hợp, đại loại là vậy”. Ở Mỹ, mỗi năm khách hàng trả lại xấp xỉ 3,5 tỷ sản phẩm, trong đó chỉ khoảng 20% là bị lỗi theo Optoro, một công ty chuyên về logistics hàng trả lại. Optoro ước tính mỗi năm có tới năm tỷ pound rác thải ra do hoạt động trả lại hàng, phát thải thêm 15 triệu tấn các-bon đi-ô-xít vào khí quyển. Một khảo sát từ các công ty Đức, Áo và Thụy Sĩ của viện bán lẻ EHI cho biết, vào năm ngoái khoảng 70% những món hàng được hoàn trả này sẽ được bán như hàng mới, khá là rõ ràng điều gì đã xảy đến với 30% còn lại.

Các nhà bán lẻ trực tuyến như Zalando và Otto cho rằng, chỉ dưới 1% hàng trả lại bị tiêu hủy trong lúc người phát ngôn Amazon Đức tuy không tiết lộ phần trăm hàng bị tiêu hủy nói rằng “chỉ khi không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi mới đưa sản phẩm đi tái chế, tái tạo năng lượng hay cuối cùng là ra bãi rác. Amazon Pháp cũng nói rằng họ chỉ tiêu hủy phần nhỏ số hàng không bán được.

Tuy vậy, giữa năm ngoái một phóng sự trên Kênh truyền hình M6 của Pháp cho biết Amazon đã tiêu hủy tới ba triệu sản phẩm một năm, bao gồm TV, sách, đồ chơi, đồ nấu bếp, đồ gia dụng, bỉm... không bán được chỉ ở riêng nước này. Nhiều công-ten-nơ hàng không bán được hay bị trả lại tại nhà kho của Amazon được đưa đi tiêu hủy dưới hợp đồng của công ty ký với các nhà cung cấp - bên thứ ba. Nguyên do, theo một doanh nhân, “sau sáu tháng hay một năm, nếu hàng không bán được Amazon bắt đầu tính phí lưu kho cực cao”, mặt khác Công ty Amazon tính phí 17 bảng để gửi trả hàng nhưng chỉ 13 xu để tiêu hủy chúng. Người cung cấp nói rằng, khi hàng không bán được họ không có lựa chọn nào khác hơn là để công ty tiêu hủy hàng bởi họ không trả được phí gửi chuyển trả lại hàng cũng như phí tiếp tục trữ hàng.

Nghị sĩ Mary Creagh, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán môi trường Pháp nói rằng thật sự sốc và đau lòng khi chứng kiến điều này: “Khi hàng triệu người nỗ lực để kiếm sống và chi trả các nhu cầu thiết yếu thì những sản phẩm mới không được sử dụng lại dễ dàng bị tiêu hủy khi chúng đáng lẽ phải dành cho những người cần”. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng cho rằng đó là “sự lãng phí lớn gây sốc”.

Cần những hành động quyết liệt

Nước Pháp là quốc gia đầu tiên chấm dứt việc vứt bỏ thực phẩm ăn được đã mở rộng lệnh cấm vứt bỏ, tiêu hủy hàng tồn kho cho ngành may mặc và hàng tiêu dùng bắt đầu vào năm tới. Các loại hàng cấm bao gồm mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sản phẩm điện tử, nhựa và các sản phẩm khác. Biện pháp bắt buộc là đưa sản phẩm đó cho, tặng, để tái sử dụng hoặc tái chế. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nhà bán lẻ và kinh doanh hàng xa xỉ, tuy vậy chính quyền không định “áp đặt hay kìm hãm, mà hỗ trợ các công ty... để bảo đảm chúng ta chuyển sang giai đoạn mới của nền kinh tế” - Thủ tướng Pháp tuyên bố. Bộ trưởng môi trường Đức Svenja Schulze nói rằng bà muốn chấm dứt việc “tiêu hủy hàng tốt” với việc cập nhật luật nền kinh tế tuần hoàn của đất nước, sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong những tháng tới.

Việc thúc đẩy pháp lý nằm trong các hành động nhằm gia tăng phản ứng chống lại thời trang giá rẻ và chính sách trả hàng miễn phí mà không tính giá mà môi trường phải trả cho điều đó. “Mô hình kinh tế sản xuất quá nhiều hàng hóa chẳng hữu ích cho bất kỳ ai, và thay vì việc bán lại hàng họ lại tiêu hủy chúng”, Alma Dufour, người tham gia chiến dịch chống việc tiêu thụ quá mức ở tổ chức Những người bạn của trái đất (Les Amis de la Terre) ở Pháp nói. Những người tham gia chiến dịch cho rằng, có ba lĩnh vực cần giải quyết: người tiêu dùng mua nhiều hơn họ cần, nhà bán lẻ tiêu hủy hàng hóa còn sử dụng được và hệ thống thuế và chính sách ở một số nước không khuyến khích việc tái sử dụng.

Giải pháp quyên tặng hàng tồn kho được xem là khá ổn thỏa, chẳng hạn ở Đức, innatura - một doanh nghiệp xã hội nhận sản phẩm tồn kho từ các nhà máy, các nhà bán lẻ và đưa chúng tới các tổ chức từ thiện. Bất lợi ở chỗ công ty dù không bán được hàng vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng trên đồ quyên tặng, như vậy khác gì khuyến khích tiêu hủy hoặc vứt bỏ hàng không bán được. “Hiện quyên tặng còn đắt hơn nhiều so với vứt bỏ”, anh Kronen, người sáng lập ra doanh nghiệp xã hội ủng hộ việc bỏ thuế này cho biết.

Cuối năm ngoái, Amazon sau khi bị chỉ trích kịch liệt vì tiêu hủy hàng tồn, thông báo những mặt hàng không bán được sẽ không bị tiêu hủy, thay vào đó công ty có chương trình mới mang tên Fulfillment nhằm quyên tặng những mặt hàng này. Với các đối tác để hàng ở kho của Amazon ở Mỹ và UK, chương trình này sẽ là lựa chọn đầu tiên cho các mặt hàng đáng lẽ sẽ bị vứt bỏ, tất nhiên vẫn còn có những lựa chọn khác. Việc quyên tặng sẽ được phân phối qua những tổ chức phi lợi nhuận như ở Mỹ qua Good360. Ở Anh, chúng sẽ tới các tổ chức từ thiện bao gồm Newlife, Salvation, Army và Banardo’s. Đưa hàng tới tay người cần sẽ “thay đổi cuộc sống và làm cộng đồng mạnh mẽ hơn”, cô Alice Shobe, giám đốc của tổ chức từ thiện Amazon trong cộng đồng cho biết, và nói thêm “điều này cũng làm giảm rác thải bởi giảm đáng kể số lượng sản phẩm lẽ ra đã đi ra bãi rác”.

Tiêu hủy hàng tồn - thói quen tai hại ảnh 1

Khách hàng Mỹ trả lại hàng (khoảng 100 tỷ USD) trong Lễ Tạ ơn và Giáng sinh.