Qua những miền quê Australia

Australia là một lục địa khổng lồ nằm biệt lập, là nước lớn nhất mà không có biên giới trên đất liền. Số dân đã ít so với diện tích, người Australia lại tập trung đến 89% ở các đô thị lớn ven biển, vì thế bên trong lục địa là cả một khoảng không rộng lớn chờ bàn tay lao động của con người và những hành trình khám phá. Trong lời mở đầu một cuốn cẩm nang du lịch nổi tiếng ở Australia, ba tác giả viết: “Chúng tôi đã dành 30 năm để khám phá Australia và vẫn đang tiếp tục!”.

Biển báo Kangaroo và số điện thoại để gọi khi gặp động vật hoang dã bị thương.
Biển báo Kangaroo và số điện thoại để gọi khi gặp động vật hoang dã bị thương.

Khách du lịch từ nước ngoài đến Australia hầu hết chỉ dừng lại ở các thành phố lớn ven biển phía đông. Nhưng muốn thực sự hiểu và trải nghiệm những đặc trưng của Australia, cần phải đi bằng xe. Australia là một trong những nước có nhiều xe hơi trên đầu người nhất thế giới (747 xe/1.000 dân). Với mạng lưới đường bộ chất lượng tốt rộng khắp đến mọi hang cùng ngõ hẻm, lái xe đi chơi qua những vùng nông thôn ở Australia là một trải nghiệm đáng nhớ. Với bằng lái xe Việt Nam (loại mới, có tiếng Anh) bạn có thể lái xe thoải mái ở hầu hết các bang của Australia. Quốc lộ 1 ở đây là đường cao tốc dài nhất thế giới, chạy bao quanh bờ biển, kết nối tất cả các thành phố lớn. Khách du lịch đến từ châu Âu và châu Mỹ đa phần lựa chọn cách lái xe theo các đường quốc lộ để tham quan nội địa.

Những vùng nông nghiệp trù phú nhất của Australia nằm ở phía Đông Nam đất nước, thuộc hai bang New South Wales (thủ phủ Sydney) và Victoria (thủ phủ Melbourne). Chỉ lái xe vài giờ đồng hồ là cả một vùng nông nghiệp tươi đẹp mở ra bát ngát. Càng đi sâu vào nội địa, càng kinh ngạc với những gì bàn tay người nông dân tạo nên, đời này qua đời khác trên những cánh đồng mênh mông bất tận. Văn chương, hội họa và thi ca của Australia, những tác phẩm quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Trở về Eden” hay “Tất cả các dòng sông đều chảy” đều lấy bối cảnh từ những vùng quê như thế.

Đất đai bạt ngàn nhưng không có nước tưới là nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp của Australia bị giới hạn quanh lưu vực hai sông Murray-Darling ở phía Đông Nam. Khí hậu khắc nghiệt và đất đai khô cằn không khuất phục được người Australia, họ đã tạo nên một hệ thống thủy lợi khổng lồ nhằm cung cấp nước phục vụ tưới tiêu và chăn nuôi. Nhiều khi bạn lái xe qua những cánh đồng rộng hàng chục thậm chí hàng trăm cây số không một bóng người, chỉ có bò và cừu nhởn nhơ gặm cỏ! Những trang trại chăn nuôi lớn ở Australia gọi là “station”, trong đó station lớn nhất có diện tích khoảng 24.000 km2, rộng gấp bảy lần trang trại lớn nhất nước Mỹ và lớn hơn diện tích hàng chục quốc gia trên thế giới. Những station này không có đủ nước để trồng cây gì nên chỉ có thể trồng cỏ, và khách đi đường tha hồ ngắm nhìn những đồng cỏ xanh mướt miên man qua hàng chục quả đồi.

Người nông dân sống khá sung túc, một phần cũng bởi sản phẩm nội địa luôn được người tiêu dùng ưu tiên vì có nhãn “nuôi trồng tại Australia” dù hoa quả và thực phẩm ngoại nhập bán tự do và vô cùng đa dạng. Nói chuyện với nhiều nông dân trong những chuyến đi của mình, tôi ngạc nhiên rằng ai ai cũng nói về thiên nhiên với một lòng biết ơn. Người Australia đã dần từ bỏ lối canh tác đại công nghiệp, lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, trở thành nước đi đầu thế giới về nông nghiệp hữu cơ, với 35 triệu héc ta đạt chứng nhận hữu cơ, như một cách trở về với tự nhiên. Các siêu thị dán những áp phích to, chụp ảnh người nông dân với sản phẩm của họ trên tay, ghi rõ địa chỉ và những lời nói giản dị của họ rằng họ tự hào được làm ra những rau củ tươi ngon này, từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một dòng họ. Mỗi lần hạn hán hay lũ nặng là các siêu thị đều có hòm quyên góp tiền hỗ trợ nông dân dù Nhà nước luôn có ngân sách hỗ trợ. Dù có lúc khó khăn, những quầy bán cam, táo ven đường quốc lộ nơi tôi đi qua thường xuyên chẳng có người trông, chỉ có hòm bỏ tiền để ai mua thì tùy tâm thả vào. Có lần, tôi đang mua vài cân táo thì ông chủ nhà đi làm đồng về, thấy tôi liền bảo: “Trong thùng còn có 15 cân nữa, anh mua nốt tôi bán cả”. Tôi hỏi đùa: “40 đô (khoảng 720 nghìn đồng) 20 cân, bác có bán không?”. Ông bê luôn cả thùng ra xe cho tôi và còn cho thêm cân quýt mới hái. Sự chất phác mà rộng rãi hào phóng ấy có thể thấy ở khắp mọi miền quê.

Trong rất nhiều cánh đồng đủ các loại cây trồng, thì những cánh đồng lúa nước mang lại nhiều ấn tượng nhất. Đứng trước những ruộng lúa bát ngát, xâm xấp nước, thật không thể không khâm phục việc các nhà nông nghiệp ở Australia chỉ dùng lượng nước bằng một nửa cho đến một phần năm lượng nước sử dụng ở các quốc gia khác nhưng lại đạt sản lượng gạo cao nhất thế giới trung bình từ 8,6 - 10 tấn/héc ta. Với cơ giới hiện đại, một hộ gia đình dưới chục người có thể trồng lúa trên thửa ruộng khoảng 400 ha. Cảnh người nông dân lái máy bay để gieo thóc vàng óng từ trên trời xuống ruộng thật khó quên.

Lái xe thăm thú những miền quê trù phú cũng có rất nhiều điều đặc trưng chỉ có ở Australia cần lưu tâm. Thứ nhất là việc lái xe bên trái (hay còn gọi là tay lái nghịch). Với hệ thống đường nhựa rộng khắp mà cư dân thưa thớt, việc lái xe hàng trăm cây số đường quốc lộ mà không gặp xe đi chiều ngược lại là rất bình thường nên nhiều tay lái từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á dễ quên mất bên nào mới là đúng đường! Cần ghi nhớ điều này nếu không muốn gây tai nạn.

Tiếp đến là những tấm biển cảnh báo có kangaroo thường thấy dọc các quốc lộ. Kangaroo, loài vật biểu tượng in trên quốc huy là nỗi “khiếp sợ” của mọi tay lái dù lão luyện. Kangaroo thường bất thình lình nhảy ra từ bụi rậm, chúng hay xuất hiện vào lúc tranh tối tranh sáng, tức là tờ mờ sáng hoặc chập choạng tối để đi ăn và uống nước. Đó cũng là lúc tầm nhìn bị hạn chế và khi lái xe mở đèn, kangaroo bị chói mắt nên cứ thế đứng giữa đường. Kangaroo trưởng thành thường nặng từ 50 đến 90 kg và có thể cao đến gần 2m. Chính việc đâm phải kangaroo còn không nguy hiểm bằng việc bạn mất lái hay đánh lái sang làn ngược chiều để tránh. Một lần tôi lái xe ở vùng quê lúc sáng sớm khi mặt trời chưa lên, đèn pha chiếu sáng một cảnh tượng hiếm thấy: kangaroo đứng lố nhố hai bên đường đông nghịt như người đi xem hội.

Australia với thiên nhiên nguyên sơ cũng chính là môi trường lý tưởng cho vô vàn loài động vật hoang dã sống ngay cạnh đường quốc lộ. Nhiều khi gấu túi koala cũng bất ngờ rơi từ cành cây xuống đường! Và một điều chắc ít người biết, Australia là nước có nhiều lạc đà nhất thế giới. Những con lạc đà được người Pakistan và Afghanistan mang sang Australia vào cuối thế kỷ 19 để đi trong sa mạc về sau được thả ra ngoài tự nhiên khi phương tiện tàu xe hiện đại lên, đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở đến hơn một triệu con và nhiều khi chạy thành đàn hàng trăm con, cắt ngang đường cái tung bụi mịt mù. Vì vậy chỉ có một cách duy nhất là chạy chậm lại khi ánh sáng mặt trời không rõ.

Xăng dầu cũng là một vấn đề khi mà các thị trấn cách nhau hàng trăm cây số. Các cây xăng ở Australia luôn bán đồ ăn, thức uống và nhiều khi là mọi đồ dùng gia dụng cần thiết trên đường thiên lý. Để giải quyết vấn đề này, người Australia thường đi xe caravan, tức là dùng xe của mình kéo rơ-moóc theo một “căn nhà di động”. Caravan có giường ngủ, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh, tủ lạnh thậm chí máy giặt và điều hòa - máy sưởi. Gần như mọi thị trấn ở Australia đều có khu vực cho xe caravan dừng nghỉ qua đêm. Có lần tôi đến một thị trấn rất sâu trong hoang mạc, người dân và hàng quán địa phương cực kỳ thưa thớt, tưởng như mình là khách du lịch duy nhất. Ai ngờ khi vào caravan park thì xe đỗ đông nghịt, người đi lại cười nói rộn ràng, mọi người tất bật bơm nước ăn vào bình chứa, sạc pin mặt trời, nấu nướng và đổ chất thải vào nơi quy định. Rất nhiều cặp vợ chồng trẻ có, đã về hưu có, cứ thế rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Ai ai trông cũng thật là hạnh phúc khi ngồi uống một chai bia dưới ánh hoàng hôn đỏ rực và chia sẻ với nhau về những nơi mình đã đi qua. Bầu trời sao Nam bán cầu rực rỡ trong đêm, ai may mắn được thấy cực quang trên mảnh đất phía nam này hẳn sẽ đều nhớ mãi không quên.

Qua những miền quê Australia ảnh 1

Xe ô-tô kéo theo “căn nhà di động” caravan.