Imigongo, hình thức nghệ thuật đặc sắc ở Rwanda

Với những họa tiết hình học đậm và màu sắc rực rỡ bắt mắt, imigongo - hình thức nghệ thuật gần như bị xóa bỏ trong suốt thời kỳ diệt chủng ở Rwanda năm 1994, giờ đang nở rộ trên vùng đất ngàn đồi này.

Một nghệ sĩ tại Trung tâm nghệ thuật imigongo. Ảnh: JULIA DENISYUK
Một nghệ sĩ tại Trung tâm nghệ thuật imigongo. Ảnh: JULIA DENISYUK

Ở Rwanda, những imigongo thường dùng trang trí các căn lều trong những ngôi làng truyền thống cũng như hiện diện ở nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng, quán cà phê của đất nước này. Những cửa hàng thời trang, cửa hàng lưu niệm đắt khách và những xưởng thủ công danh tiếng ở thủ đô Kigali đều tự hào khoe những tác phẩm imigongo trên giá.

Nhưng không chỉ cuốn hút mọi người bằng vẻ đẹp độc đáo, quá trình làm nên tác phẩm cũng hết sức ý nghĩa khi sử dụng một chất liệu đầy rẫy và vô cùng quen thuộc ở Rwanda là... phân bò. Bàn tay nghệ sĩ với các chất liệu mầu từ thiên nhiên đã biến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Trong suốt thời kỳ diệt chủng, hình thức nghệ thuật này gần như đã hoàn toàn biến mất. Với sự trỗi dậy của làn sóng văn hóa diễn ra sau đó, imigongo được xem như một biểu tượng của sự phục hồi và thể hiện tài năng, sự khéo léo của người Rwanda.

Bò đã được nuôi trong nhiều thế kỷ ở Rwanda. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, sở hữu bò là biểu tượng của sự giàu có và cao quý. Con vật này đóng một vai trò quan trọng ở đất nước này, tới mức một giống bò cái có sừng cong dài và diện mạo thanh nhã gọi là inyambo được nuôi riêng cho những vị vua vào thế kỷ 17. Những con bò cái hoàng gia chỉ xuất hiện trong các lễ diễu hành trang trọng trong những dịp kỷ niệm lớn nhằm tôn vinh vị vua thống trị. Chúng được nuôi dưỡng đặc biệt, người nuôi bò có nhiệm vụ dâng amazi ahiye, một loại đồ uống mặn cho các inyambo để bảo đảm những con bò cái sẽ đẻ ra những con bê giống vậy. Khi được một tuổi, inyambo được đưa tới cung điện của nhà vua và được những người chăn bò giỏi giang, giàu kinh nghiệm nhất huấn luyện. Chúng được nghe bài hát Amahamba và Amazina y’inka và tập theo những chuyển động của người huấn luyện để chuẩn bị cho các lễ diễu hành hoàng gia, nơi chúng được trang hoàng lộng lẫy bằng nhiều đồ trang sức đắt tiền.

Có lẽ ý tưởng cho nghệ thuật imigongo đã nảy sinh từ một lễ diễu hành như thế. Người địa phương tin là việc dùng phân bò trang trí được chính Hoàng tử Kakira, con trai Vua Kimenyi của Gisaka ở vùng Kibungo sáng tạo ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Trộn phân bò, chất liệu luôn có sẵn trong dân gian với tro và đất sét để tạo thành một hỗn hợp kết dính trang trí bức tường căn lều của ngài. Sau đó ngài dạy các phụ nữ địa phương cách làm và họ truyền kinh nghiệm này qua các thế hệ.

Những imigongo hiện đại ngày nay không chỉ được vẽ trên tường nhà mà còn có những tác phẩm cỡ nhỏ, nhưng quá trình làm cơ bản đều giống nhau. Trên một miếng gỗ phẳng (hay một bức tường) làm nền, họ chia thành những phần bằng nhau rồi dùng thân chuối để bảo đảm các họa tiết được sắp đặt theo tỷ lệ thích hợp và dùng than vẽ theo các họa tiết như đường dích dắc, đường xoáy ốc, hình kim cương hay hình vuông. Nguyên liệu chính được trộn sẵn từ hỗn hợp của phân bò tươi tro, đất sét, nhựa cây... Họ dùng tay phết hỗn hợp dẻo quánh này đắp thành những đường nổi theo hình vẽ sẵn trước đó. Phải mất một ngày để khô tự nhiên, sau đó nó được chà bằng cát cho mềm mại và phủ lên một lớp nền mầu be nhạt để bảo đảm những mầu sắc sau này sẽ hiện ra đều và thật mầu. Khi tác phẩm đã khô, họ sơn các hình đã thiết kế bằng bốn mầu tự nhiên: mầu trắng từ cao lanh, nâu vàng từ đất son, đen từ tro, đỏ từ đất sét đỏ. Trong các mẫu thiết kế hiện đại, họa sĩ thường dùng nhiều mầu hơn, nhưng truyền thống vẫn chỉ tập trung vào bốn mầu, thậm chí ít hơn.

Ngày nay, những con phố Kigali sạch sẽ nhộn nhịp, tràn trề sức sống cho thấy một đất nước đang trên đà phát triển. Những nghệ sĩ Rwanda trẻ trung, tràn đầy khát vọng tìm về khám phá di sản văn hóa và các hình thức nghệ thuật truyền thống của họ. Có thể thấy ở vài cửa hàng thiết kế và xưởng thủ công ở Kigali triển lãm tác phẩm imigongo của các họa sĩ này. Một trong số đó là Haute Baso, một danh hiệu thiết kế thời trang chuẩn mực hợp tác với 300 họa sĩ địa phương nhằm tạo ra những tác phẩm bền vững chất lượng cao. Ở vùng phụ cận hối hả Kimihuburra, xưởng vẽ Azizi Life trưng bày những tác phẩm imigongo của nghệ sĩ Alex Nsengiyimva, người học nghề từ vợ (theo truyền thống imgongo là hình thức nghệ thuật dành cho phụ nữ, giờ cũng hấp dẫn nhiều họa sĩ nam). Các giá trong xưởng cũng trưng bày những chiếc giỏ đan sặc sỡ và những bình mật... được 30 hợp tác xã cung cấp. Bạn có thể mua một tác phẩm imigongo tuyệt đẹp để mang về hoặc có thể tự làm một bức của riêng mình trong những buổi hội thảo do anh tổ chức. Xưởng cũng gửi hàng tới những bạn hàng ở nước ngoài yêu thích hình thức nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Nhưng muốn đến được trái tim của imigongo, bạn có thể đến phía đông- nơi hình thức nghệ thuật này được sinh ra. Có những hợp tác xã như Trung tâm nghệ thuật imigongo hay cửa hàng cà-phê- đồ thủ công ở Kayonza và Ikora Imigongo Kirehe ở làng Kaziba.

Có lẽ nơi nổi tiếng nhất là hợp tác xã mang tên hoàng tử Kakira Imigongo, ở ngôi làng Nyakarambi, gần Tanzania. Có khoảng 15 phụ nữ, nhiều người trong số đó là những quả phụ do hậu quả của chế độ diệt chủng, đang tiếp tục truyền thống xưa. Hợp tác xã này được thành lập sau tấn thảm kịch năm 1994 nhằm khôi phục lại tập tục này, đồng thời cho những phụ nữ đau khổ một lối thoát và một sinh kế bền vững.

Anh Fabrice Ndayamdaze cười tự hào khi kể về mẹ mình: “Mẹ tôi bắt đầu sơn trên phân bò từ khi 17 tuổi. Bà học từ bà ngoại. Đối với dân tôi, học làm imigongo là một trong những việc cần làm để trở thành một phụ nữ thực thụ. Sau thời kỳ diệt chủng, mẹ tôi lại dùng kỹ năng này để cứu gia đình”.

Cô Basirice Uwamariya, mẹ anh, tuổi đã xấp xỉ 50, chỉ vào bản sao ngôi lều của hoàng tử nói: Chúng tôi xây nó để vinh danh truyền thuyết về ngài. Trong ngôi lều, những bức tường được sắp đặt như mê cung, trên đó là những họa tiết đen trắng ấn tượng có thể khiến bạn chóng mặt, bo bằng những đường mầu đỏ mang lại cảm giác cực kỳ hiện đại nhưng cô ứng xử với không gian này với sự sùng kính thiêng liêng. Cô giải thích, đây là cách để vinh danh vị hoàng tử, người đã cho cô và nhiều phụ nữ khác một cách thức để sống sót sau thảm kịch, cũng là cách để phục hồi nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của Rwanda. Sống sót sau họa diệt chủng bằng cách trốn sang Tanzania, năm 1997 gia đình cô trở lại quê nhà, “lúc đó, không còn ai làm imigongo nữa, nhưng tôi cần điều gì đó để bắt đầu trở lại. Và tôi biết muốn truyền thống này sống sót, tự tôi phải bắt tay vào việc”. Cô bắt đầu làm và bán những tác phẩm nhỏ để kiếm sống, rồi sau đó khi chồng mất năm 1999, cô cùng vài góa phụ, những người đang vật lộn kiếm sống, thành lập hợp tác xã làm imigongo và dạy nghề cho những người khác. Họ đã làm ra nhiều tác phẩm có tiếng để trưng bày, bán cho khách du lịch và người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Nghệ thuật truyền thống đã cho họ niềm vui sống và lòng tin vào tương lai.

Ở Rwanda, imigongo không chỉ là một hình thức nghệ thuật bằng phân bò. Đó còn là một cách bảo tồn vốn cổ trong lúc tiếp tục vươn lên từ một quá khứ đau thương.

Imigongo, hình thức nghệ thuật đặc sắc ở Rwanda ảnh 1