Yên tâm với hàng dệt may nội địa

Từ ngày 1-5 tới, sản phẩm dệt may muốn bán tại thị trường trong nước phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (tem CR). Ðiều này không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm mà còn góp phần thúc đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa an toàn, trách nhiệm…

Công nhân làm việc tại phân xưởng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Công nhân làm việc tại phân xưởng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23-10-2017 của Bộ Công thương “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may”, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam không vượt quá 30 mg/kg đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi; 75 mg/kg đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da và ngược lại là 300 mg/kg. Ðối với hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30 mg/kg. Thông tư số 21 còn quy định, từ ngày 1-5-2018, các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố phù hợp quy định tại quy chuẩn này và gắn dấu hợp quy CR theo các quy định hiện hành.

Thường xuyên theo dõi thông tin mới có liên quan đến ngành dệt may, CEO Công ty may mặc Sức sống mới Lý Mỹ Nhi (quận 2) bộc bạch: “Ngay khi vừa biết thông tin, chúng tôi đã liên hệ với Hiệp hội Dệt may để tìm hiểu, nhờ hướng dẫn thực hiện. Do hàng hóa trước đó đã kiểm định chất lượng cho nên việc làm tem CR rất thuận lợi. Những ngày qua, công ty đã huy động lực lượng dán tem trên các sản phẩm, đưa tem về tận đại lý, dán tem cả hàng tồn kho. Tôi nghĩ, hàng dệt may xuất khẩu mình rất chú trọng về độ an toàn và công bố trên từng nhãn mác, thì không lý do gì hàng trong nước lại bỏ qua khâu quan trọng này”.

Người tiêu dùng cũng rất phấn khởi khi quy chuẩn được áp dụng. Bà Nguyễn Thu Thủy (56 tuổi, giáo viên về hưu) nói: “Trước giờ tôi rất ủng hộ hàng Việt Nam, nay sản phẩm dệt may ra thị trường với đầy đủ thông tin nguồn gốc, có tem nhãn an toàn tôi lại càng yên tâm. Tôi mong không chỉ riêng hàng dệt may, mà các sản phẩm khác cũng đều công khai thông tin với người tiêu dùng trong nước như vậy”.

Ðại diện Tổng công ty Dệt may Việt Tiến cho biết lượng hàng tồn kho của công ty còn khá lớn. Công ty hiện nay có 700 - 800 đại lý với hơn ba triệu sản phẩm được sản xuất theo quy chuẩn cũ. Như vậy, đến ngày 1-5 khi Thông tư 21 có hiệu lực thì rất khó để chuyển đổi theo yêu cầu mới. Ðơn cử như việc công ty phải gom ba triệu sản phẩm về dán tem CR cho đúng với thời hạn áp dụng. Nếu được, cơ quan chức năng có thể linh động gia hạn thời gian để công ty đáp ứng được yêu cầu dán tem nhãn.

Mặc dù ủng hộ quy định gắn tem CR nhưng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng Lý Thành Sinh (quận 9) vẫn băn khoăn: “Tôi chỉ mới nghe thông tin này nhưng vẫn còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, theo tôi, việc sản phẩm có tem CR cũng chưa chắc hàng đó đạt chất lượng, vì tem giả cũng có thể làm giống như tem thật”.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Tuyết Mai nêu quan điểm: “Theo tôi, hàng dệt may lưu thông trên thị trường nội địa có tem CR sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng. Dù hàng tồn của các DN có nhiều đến đâu, giá trị bị thiệt hại có lớn đến mấy thì sức khỏe của người tiêu dùng mới là quan trọng hơn cả”…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ, thực tế là từ lâu nay DN Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì không cớ gì một quy định của Thông tư 21 họ lại không đáp ứng được. Còn về hàng tồn kho, DN có thể xem xét hai phương án: Tự khắc phục số lô hàng cũ, dùng các biện pháp kỹ thuật để đạt được những tiêu chuẩn định mức hóa học cho phép; hoặc nếu DN không bảo đảm được tiêu chuẩn sản phẩm của mình, số hàng tồn không đạt chất lượng phải bị thu hồi, cấm lưu thông.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn, trước đây, việc kiểm tra mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may được thực hiện theo hình thức tiền kiểm. Tức là hàng hóa nhập khẩu có kết quả kiểm tra mới được thông quan đưa vào sản xuất. Trong khi ở quy định mới này, cơ quan quản lý cho phép DN được công bố hợp quy với hai hình thức, đó là tự công bố hoặc dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức được chỉ định. Cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm, kiểm tra hàng hóa khi trưng bày và tiêu thụ trên thị trường. “DN thực hiện quy chuẩn này không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, mà đó còn là cơ hội để ngành dệt may giành lại thị phần nội địa, nơi tiêu thụ sản phẩm với giá trị gia tăng lớn hơn so với thị trường nước ngoài. Ðây chính là cơ hội cho các DN dệt may nước nhà…”, ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định.