Xây dựng chuỗi nông sản sạch

Xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững trong nông nghiệp được xem là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang được quan tâm hiện nay. Ðây cũng là mục tiêu hàng đầu mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) không chỉ hướng đến bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước, mà còn là chìa khóa tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu với mục tiêu đạt từ 42 tỷ USD đến 43 tỷ USD trong năm nay.

Người dân tham quan, mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn theo chuỗi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Người dân tham quan, mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn theo chuỗi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản để nâng cao chất lượng ATTP nông nghiệp. Thành phố đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; kế hoạch phối hợp các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước trong việc cung ứng, tạo nguồn nông sản sạch phục vụ cho người dân thành phố và hướng đến xuất khẩu.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng Ban Quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Trúc Nhã cho biết, TP Hồ Chí Minh không chỉ là thị trường lớn tiêu thụ nông sản trong nước, mà còn là nơi tổ chức xuất khẩu nhiều loại nông sản. Hiện, sản xuất nông nghiệp tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 20% đến 30% nhu cầu thực phẩm của thị trường thành phố, do đó, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tổ chức ký kết với Sở NN - PTNT các tỉnh Long An, Lâm Ðồng, Bình Thuận, Sóc Trăng, Ðồng Tháp… về phối hợp quản lý, kết nối tiêu thụ nông sản bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu trong các chuỗi cung ứng nông sản giữa các tỉnh và TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2019. Mục tiêu chính là xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh với TP Hồ Chí Minh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Ðến nay, Ban Quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh đã cấp 369 Giấy chứng nhận vào chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn thành phố cho 230 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh của các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Ðồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng hơn 165.310 tấn/năm, 7,88 triệu lít nước mắm/năm. Trong đó, chuỗi sản phẩm thực vật cấp 53 Giấy chứng nhận với tổng sản lượng 65.484 tấn/năm gồm: Rau, củ, quả 52.851 tấn/năm, trái cây 12.573 tấn/năm, trà 60 tấn/năm. Các đơn vị tham gia chuỗi cũng đã sử dụng lô-gô chuỗi thực phẩm an toàn trên các sản phẩm, đã được kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn và xuất khẩu.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng, vẫn chủ yếu là nhỏ, lẻ, manh mún, trong đó cơ sở chế biến phần lớn là vừa và nhỏ, hộ gia đình cho nên trang thiết bị, nhà xưởng đa số chưa thật sự bảo đảm điều kiện ATTP. Nhận thức và hành động của nhiều tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, việc chấp hành các quy định, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm chưa cao. Vẫn còn tình trạng vì lợi nhuận mà sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Trên phạm vi cả nước, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN - PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, năm 2018, đã có 1.845 cơ sở trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 80 nghìn ha (tăng 61 nghìn ha so với năm 2017); hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích 2.618 ha, 313 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Tất cả 63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 1.249 chuỗi, 1.450 sản phẩm và 3.181 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên kết với hợp tác xã, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn quy mô lớn để hướng đến xuất khẩu.

Trong năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 70.592 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt 39,8 tỷ đồng. Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy, không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Sa-bu-ta-môn (Salbutamol) trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 271 mẫu trong tổng số 2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh, chiếm 13,1% (so với năm 2017 là 26,7%); 5 mẫu trong tổng số 2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chiếm 0,2% (so với năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%). Riêng tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 46 mẫu trên tổng số 3.018 mẫu, chiếm 1,5% (tăng so với năm 2017 là 0,89%, năm 2016 là 1,07%)…

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Ðức Tiến nhận định, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy, vẫn còn một số thách thức, nhất là tỷ lệ phát hiện số mẫu vi phạm về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm rau, củ, quả và hóa chất kháng sinh trên thủy sản có xu hướng tăng so với trước. Tình trạng này đã và đang tác động không tốt đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu rau, củ, quả và thủy sản - những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cần củng cố lại quy trình sản xuất, chủ động cập nhật các quy định mới về ATTP, tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát trong chuỗi sản xuất từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến cho tới khâu tiêu thụ. Có như vậy mới đáp ứng mục tiêu xuất khẩu từ 42 tỷ USD đến 43 tỷ USD trong năm 2019 và những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.