Tích cực khắc phục sạt lở bờ sông

Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh những năm gần đây trở nên nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản người dân. Những khu vực có nguy cơ sạt lở cao hiện tập trung tại các huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận: 9, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh,... đang được thành phố tập trung triển khai khắc phục.

Bờ kè chống sạt lở đã hoàn tất trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2 tại hạ lưu Cầu Kinh (Thanh Đa).
Bờ kè chống sạt lở đã hoàn tất trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2 tại hạ lưu Cầu Kinh (Thanh Đa).

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có đến 40 điểm sạt lở đang được tập trung khắc phục. Vụ sạt lở gần đây nhất tại tổ 4, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ảnh hưởng nặng nề về tài sản đối với năm hộ dân và những hộ chung quanh. Chính quyền huyện Nhà Bè đã lên phương án di dời khẩn cấp 270 hộ dân (975 người) sống ven kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao như sông Kinh Lộ, kênh Cây Khô, kênh Lộ... Đồng thời, tiến hành lập dự án chống sạt lở tại bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ và nhiều vị trí sạt lở khác nhằm bảo vệ an toàn đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, thành phố đã quan tâm đầu tư khắc phục tình trạng sạt lở, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân di dời đến nơi an toàn. Dù đã có nhiều công trình được xây dựng với kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng theo các chuyên gia về môi trường đô thị thì khả năng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đối với thành phố vẫn rất phức tạp, bởi: Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bờ sông, kênh rạch, hồ chứa nước không phép, trái phép vẫn xảy ra làm gia tăng tải trọng sát mép bờ sông, làm thu hẹp dòng chảy dẫn đến gia tăng lưu tốc dòng chảy, biến đổi dòng chảy xuất hiện hàm ếch dẫn đến sạt lở đất. Chưa kể tình trạng khai thác cát trái phép, không phép trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng xói lở bờ sông, kênh rạch. Các hành vi xả rác xuống kênh, rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước vẫn còn tiếp diễn... Nếu nhìn lại tổng diện tích của huyện Nhà Bè (trên, dưới 10.000 ha), khoảng năm đến bảy năm trước, đất dành cho khu dân cư chỉ chiếm 20% nhưng đến nay tăng lên 40%, nhiều diện tích đất ruộng, đất trũng là nơi chứa nước tự nhiên bị san lấp, xây dựng nhà cửa, khu công nghiệp là thí dụ...

Theo kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND thành phố ban hành, thành phố sẽ triển khai các dự án để từng bước chống ngập và sạt lở. Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng một tuyến đê bao và sáu cống ngăn triều gồm Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Sông Kinh. Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được thành phố thông báo đang bước vào giai đoạn chuẩn bị nghiệm thu, hoàn thành trong năm 2018, giúp kiểm soát ngập do triều cường cho lưu vực khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đây là dự án do một nhà đầu tư tư nhân đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục lớn như sáu cống kiểm soát triều lớn, đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, 68 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối có phạm vi xây dựng trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Theo Tập đoàn Đại Phúc (đơn vị đầu tư), đơn vị này đã quyết định chi hơn 300 tỷ đồng để xây dựng tuyến kè chống sạt lở cho bờ sông Sài Gòn, với tổng chiều dài toàn tuyến dài hơn 3,3 km, thuộc khu đô thị Vạn Phúc (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Trước mắt, đơn vị thi công sẽ xây dựng bờ kè chiều dài 662 m, cao trình đỉnh +2,5 m, cao trình gia cố, kè tường bê-tông dự ứng lực, kết cấu tường cừ bê-tông dự ứng lực. Ngoài công năng chống xói lở, bảo vệ khu dân cư và hệ thống bờ sông Sài Gòn, an toàn đường thủy, bờ kè còn là công trình nền tảng để phát triển khu công viên sinh thái ven sông dài nhất TP Hồ Chí Minh: Công viên The Long Park (diện tích 11 ha), với 3,4 km mặt tiền sông Sài Gòn.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: Tại khu vực xây dựng tuyến kè là vị trí có biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cao. Do đó, dự án được triển khai nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, bảo vệ bờ sông Sài Gòn, nâng cao cảnh quan đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thành phố cũng tiến hành triển khai thi công các dự án khắc phục tại các vị trí khác trên địa bàn thành phố có biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cao nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản người dân và tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh.