Thực hiện nghiêm các quy trình bầu cử

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23-5-2021. Đây là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố cũng như cả nước. Thời gian qua, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các quy trình để chọn ra những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Cử tri phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cử tri phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử thành phố, tới thời điểm hiện tại có 51 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (có 15 hồ sơ tự ứng cử); 172 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố, trong đó có 13 hồ sơ tự ứng cử. Có bảy người tự ứng cử hai cấp, vừa tự ứng cử đại biểu Quốc hội vừa tự ứng cử đại biểu HĐND. Để công tác giới thiệu người ứng cử và quy trình thực hiện các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố sẽ tổ chức các đoàn giám sát nhằm bảo đảm cuộc bầu cử được thực hiện đúng luật, dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, thành công; góp phần lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, đủ điều kiện tham gia Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
 
 Tại TP Thủ Đức, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Bầu cử TP Thủ Đức sẽ bầu 40 đại biểu tham gia HĐND thành phố Thủ Đức. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung, công tác chuẩn bị của Ủy ban Bầu cử TP Thủ Đức bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc bầu cử; trong quá trình tổ chức đã quan tâm đến công tác nắm tình hình dư luận nhân dân, tuyên truyền phổ biến pháp luật về bầu cử bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động;… Tính đến cuối tháng 3-2021, Ủy ban Bầu cử của TP Thủ Đức không nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến công tác bầu cử, đồng thời các đơn vị đều chủ động xây dựng phương án bầu cử tại các khu cách ly và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Tại đợt giám sát, đồng chí Nguyễn Thành Trung cũng lưu ý một số vướng mắc như: một số cơ quan, đơn vị của TP Thủ Đức chưa có con dấu, chưa bổ nhiệm lãnh đạo dẫn đến việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác bước đầu gặp khó khăn;... Các đơn vị cần quan tâm các giải pháp tuyên truyền phù hợp với xu thế tại các khu dân cư, khu lưu trú công nhân, khu ký túc xá và phù hợp tiến trình của bầu cử, có trọng tâm, trọng điểm.
 
 Tương tự, tại huyện Nhà Bè, Ủy ban Bầu cử huyện Nhà Bè cho biết: từ ngày 23-3 đến ngày 1-4, hoạt động của Ủy ban bầu cử các cấp triển khai đúng tiến độ, bảo đảm triển khai theo đúng quy định nội dung công việc đề ra. Các hoạt động tuyên truyền, vận động về ý nghĩa cuộc bầu cử được thực hiện thường xuyên, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân;… Tính đến ngày 1-4, các đơn vị đã lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp cho 17 trong tổng số 60 đại biểu HĐND huyện, 54 trong tổng số 339 đại biểu HĐND xã, thị trấn.
 
 Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết: Các hội nghị cử tri nơi cư trú phải tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 21-3 đến 13-4. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri rất quan trọng để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và thật sự tiêu biểu. Người tự ứng cử có quyền bình đẳng như nhau khi lấy ý kiến tại nơi cư trú. Luật quy định những người được giới thiệu bắt buộc phải thông qua hội nghị cử tri của cơ quan, nơi làm việc của người được giới thiệu, kể cả tự ứng cử và phải được thông qua ở hội nghị cử tri nơi thường trú, cư trú, nơi mình sinh sống. Nhiệm kỳ này, theo Nghị quyết của Quốc hội, tại hội nghị nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú không đạt hơn 50% số cử tri giới thiệu thì không được đưa vào danh sách. Trong hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải báo cáo toàn bộ quá trình lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi công tác. Điều đó cho thấy, khâu này là rất quan trọng để sàng lọc ra các đại biểu đủ tiêu chuẩn, những người thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tổ chức nghiêm túc, đúng quy định.
 
 Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Ngô Thanh Sơn, thời gian tới, hệ thống MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức tốt các hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp của cử tri nơi cư trú; thực hiện hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thảo luận, lựa chọn, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát: việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; việc niêm yết, lập danh sách cử tri; việc lập và niêm yết danh sách người ứng cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử;…
 

 Ứng dụng công nghệ để tuyên truyền
 
 Trong sự kiện chính trị về bầu cử lần này, Ủy ban MTTQ thành phố đã thực hiện ba tuyến nội dung tuyên truyền thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ nhất là tuyên truyền (infographic, poster, banner) trên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng xã hội; thứ hai là phối hợp với Đài Tiếng nói TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tọa đàm “Đồng hành cùng bầu cử” theo các chuyên đề (Ký ức mùa bầu cử; Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước; Sứ mệnh của lá phiếu;…); thứ ba là tổ chức hội thi “Chọn người tiêu biểu đức tài của nhân dân” trực tuyến trên website.