Thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Với đóng góp GRDP chiếm 45,42%, thu ngân sách hơn 42% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2018, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam (thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang) tiếp tục khẳng định là vùng kinh tế dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, vùng đã xuất hiện nhiều thách thức, bất cập cần giải quyết để gánh vác sứ mệnh là đầu tàu, hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Một góc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAO TÂN
Một góc Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAO TÂN

Bài 1: Khẳng định vai trò đầu tàu

Cả nước có bốn vùng KTTĐ, đó là vùng KTTĐ miền trung, vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long và vùng KTTĐ phía nam. Theo thống kê, vùng KTTĐ phía nam chiếm 50,9% GRDP của bốn vùng KTTĐ. Quy mô GRDP của bốn tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm đến 87,64% GRDP vùng KTTĐ phía nam, trong đó, TP Hồ Chí Minh đóng góp gần 50% GRDP của vùng và 23% GDP của cả nước.

"Lực hấp dẫn” thu hút nhà đầu tư

Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng KTTĐ phía nam liên tục tăng. Đây là kết quả của việc các địa phương thuộc vùng đã tạo lập được môi trường đầu tư tốt, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Năm 2006, Công ty TNHH Koyu & Unitek, đầu tư năm triệu USD để mở nhà máy, chuyên chế biến thịt gà tại Khu công nghiệp Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Đến nay, DN này đã tăng vốn đầu tư lên 15 triệu USD. Hiện, Công ty TNHH Koyu & Unitek là DN đầu tiên và duy nhất đưa được sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhờ có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, doanh nghiệp đang có ý định tiếp tục tăng vốn, xây dựng thêm nhà máy chế biến. “Bên cạnh thế mạnh về chăn nuôi gia cầm, tỉnh Đồng Nai cũng có những chính sách phù hợp mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cho nên khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, tôi đã chọn Đồng Nai. Ngoài ra, mỗi lần DN liên hệ để giải quyết các thủ tục hành chính đều được các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek, ông Jame Khưu Nhơn Hiếu nói.

Với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng để hội nhập sâu, rộng nền kinh tế thế giới, phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong quá trình thu hút vốn FDI, TP Hồ Chí Minh chú trọng và từng bước lựa chọn mời gọi các dự án ít thâm dụng lao động, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Quyền Trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Lê Bích Loan cho biết: “Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) được xây dựng như một địa điểm, một phương thức, một mô hình tốt nhất hiện nay để thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có hàm lượng chất xám về khoa học - công nghệ cao. Trong định hướng sắp tới, SHTP sẽ định hình và trở thành là một trung tâm quốc gia về công nghệ cao, hạt nhân động lực phát triển cho TP Hồ Chí Minh và khu vực KTTĐ phía nam. Đây là cơ sở, là điểm “xúc tác” góp phần nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường khu vực và quốc tế, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển giao khuếch tán, công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại cho cả vùng KTTĐ phía nam”.

Tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị các dự án công nghệ cao có vốn FDI tại SHTP đạt gần sáu tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư của thành phố. Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 14,160 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2017. Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong việc quy hoạch các khu vực riêng biệt để thu hút đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài SHTP, hiện Công viên phần mềm Quang Trung thu hút được 157 DN công nghệ thông tin, trong đó có năm DN có quy mô hơn 1.000 người. Thành phố cũng đã thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích đầu tư Nông nghiệp tiên tiến, tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Thành phố cũng xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể cho khu đô thị sáng tạo phía đông. Đây là những bước đi tích cực để thành phố tiếp tục thu hút vốn FDI theo chiều sâu trong các năm tiếp theo, làm đòn bẩy phát triển cho cả vùng KTTĐ phía nam.

Điểm đến hấp dẫn

Vùng KTTĐ phía nam với diện tích chỉ chiếm 9,2%; dân số chiếm 21% của cả nước, nhưng vùng được xem là vùng kinh tế động lực, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công nghiệp hóa đất nước. Trong 10 năm qua, vùng KTTĐ phía nam tăng trưởng ổn định, gấp hơn 1,5 lần so với bình quân tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2018, nhiều địa phương thuộc vùng có mức tăng cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước 7,08%), cụ thể, tỉnh Long An có GRDP tăng 10,5%, Bình Dương hơn 9%, TP Hồ Chí Minh 8,3%, Đồng Nai tăng 8%, Tiền Giang 7,2%...

PGS, TS Đỗ Phú Trần Tình, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định: “Trong bốn vùng KTTĐ của cả nước, hiện nay vùng KTTĐ phía nam được đánh giá là vùng KTTĐ hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; đồng thời, là khu vực đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. Nhiều năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Một số chuyên gia kinh tế thế giới nhận xét, vùng KTTĐ phía nam là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư quốc tế”.

Hiện, cả nước quy hoạch 326 khu công nghiệp, trong đó, có 250 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì vùng KTTĐ phía nam chiếm hơn 50%. Bên cạnh đó, vùng còn là nơi tập trung gần 100 cụm công nghiệp. Do đó, vùng cũng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong giai đoạn năm 2016-2018, thu hút vốn FDI của vùng liên tục tăng, năm 2016 đạt 11,9 tỷ USD, sang năm 2017 tăng lên 14,4 tỷ USD (tăng 21% so với năm 2016), năm 2018 đạt 14,7 tỷ USD. Tính đến nay, vùng KTTĐ phía nam có 121 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với hơn 15.716 dự án FDI còn hiệu lực, chiếm 55% tổng số dự án và chiếm 45% trong tổng số 345 tỷ USD vốn FDI đăng ký của cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với hơn 8.400 dự án, tổng vốn FDI đăng ký gần 45,4 tỷ USD, chiếm 53,3% số dự án và 28,7% tổng vốn đăng ký của vùng. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ phía nam cũng cao hơn cả nước. GRDP bình quân đầu người toàn vùng tăng từ 4.812 USD năm 2016 lên 5.474 USD vào năm 2018, gấp 2,2 lần trung bình của cả nước (cả nước 2.587 USD). Trong đó, GRDP bình quân đầu người ở TP Hồ Chí Minh tăng từ 5.713 USD năm 2016 lên 6.407 USD vào năm 2018, gấp 2,48 lần so với bình quân cả nước.

(Còn nữa)