Thu hồi mặt bằng công viên sử dụng sai công năng để tăng cường không gian công cộng

Thời gian qua, rất nhiều công viên trên địa bàn thành phố bị các đơn vị quản lý xẻ nhỏ để cho thuê kinh doanh sai mục đích, trong khi mảng xanh đô thị phục vụ không gian công cộng chung cho người dân thiếu trầm trọng. Một trong những công viên sử dụng sai công năng, quản lý manh mún kéo dài nhiều năm là Công viên 23-9 nằm ngay vị trí trung tâm thành phố đang được dư luận trông chờ chính quyền thành phố kiên quyết xử lý thu hồi trước ngày 30-4 như đã công bố.

UBND thành phố đang quyết liệt xử lý những công trình hình thành sai công năng trong Công viên 23-9 để trả lại mảng xanh và tiện ích công cộng cho người dân.
UBND thành phố đang quyết liệt xử lý những công trình hình thành sai công năng trong Công viên 23-9 để trả lại mảng xanh và tiện ích công cộng cho người dân.

Sau nhiều lần gia hạn việc di dời một số công trình tọa lạc trong khu vực Công viên 23-9, vào tháng 2-2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã “chốt” hạn chót giải phóng một số mặt bằng tại đây. Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại khu B của công viên, gồm các cửa hàng ăn uống, trước ngày 30-4. Cũng tại khu B của công viên, UBND thành phố đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương xây dựng phương án di dời khu sân khấu Sen Hồng tọa lạc tại đây. Riêng với khu C, thành phố chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải tạm thời cho duy trì hoạt động của Trạm điều hành xe buýt và bãi giữ xe hai bánh cho đến khi triển khai xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt; đồng thời Sở phải đề xuất phương án bố trí tạm Trạm xe buýt và bãi giữ xe hai bánh trong quá trình triển khai xây dựng Công viên 23-9.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, hiện Công viên 23-9 có tổng diện tích 10,9 ha gồm ba khu A, B, C. Trong đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sử dụng gần 18.500 m2 tại khu C để làm Trạm điều hành xe buýt; Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông vận tải sử dụng một phần khu C làm bãi giữ xe hai bánh. Tại khu B, Sở Du lịch xây dựng Trạm Thông tin và hỗ trợ hành khách du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao liên kết với Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong xây dựng sân khấu Sen Hồng biểu diễn nghệ thuật với diện tích 5.760 m2. Trung tâm Phát triển quỹ đất cho một đơn vị thuê và xây dựng tầng hầm làm khu ẩm thực tại khu B. Điều đáng nói, trong một thời gian dài, hơn 55% mặt bằng công viên này có nhiều đơn vị quản lý và khai thác một cách chồng chéo, thiếu kiểm soát khiến hạ tầng công viên dần xuống cấp trong khi Công viên lại chưa được thành phố xây dựng quy hoạch chi tiết. Ngay tại khu vực này là khu phố Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện có nhiều khách du lịch nước ngoài lui tới với lưu lượng du khách và phương tiện đi lại đông đúc cho nên tình hình an ninh trật tự có lúc rất phức tạp.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải đơn vị quản lý công viên (nay đã chuyển chức năng này về Sở Xây dựng), thời gian qua việc khai thác sai mục đích đã diễn ra ở một số công viên như khu B Công viên 23-9 (như đã nêu ở trên); Công viên Phú Lâm (quận 6) có hơn 50% diện tích phục vụ vui chơi, nhà hàng... Gần đây, Thảo Cầm Viên, lá phổi xanh của thành phố cũng bị “xẻ thịt” để làm kinh doanh các khu trò chơi, giải trí... Theo Sở Giao thông vận tải, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 542 ha đất công viên, chỉ đạt chỉ tiêu 0,69 m2 cây xanh/người (rất thấp so với tiêu chuẩn được Chính phủ phê duyệt). Mảng xanh đô thị cũng đang ngày càng giảm do việc sử dụng công viên chưa đúng công năng. Đặc biệt, thời điểm trước năm 2018, khi thành phố chưa có lệnh cấm sử dụng công viên để tổ chức các hội chợ, quảng cáo, chợ phiên thì tại các công viên như Lê Văn Tám (quận 1), Gia Định (quận Tân Bình), Lê Thị Riêng (quận 10)... thường xuyên bị chiếm dụng tổ chức các sự kiện vào những ngày cuối tuần khiến không gian vui chơi công cộng và mảng xanh đô thị của người dân bị “xâm chiếm” nghiêm trọng!

Để quy hoạch lại khu vực Công viên 23-9 một cách bài bản, ngày 1-2-2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 462/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Công viên 23-9. Theo đó thành phố khẳng định, Công viên 23-9 sau khi được xây dựng hoàn chỉnh, toàn bộ phần trên mặt đất sẽ được sử dụng đúng chức năng là công viên cây xanh, mặt nước; không tổ chức triển lãm, hội chợ, mua bán kinh doanh trong công viên. UBND thành phố cũng xác định, Công viên 23-9 là mảng xanh đô thị lớn khu vực trung tâm, là không gian kết nối các khu vực thương mại, dịch vụ truyền thống như chợ Bến Thành, khu phố du lịch Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, khu thương mại dịch vụ theo đường Lê Lai - Nguyễn Trãi, khu vực chợ Nguyễn Thái Bình. Ngoài ra, theo quy hoạch, khu vực trung tâm 930 ha của thành phố, toàn bộ khu vực Công trường Lam Sơn, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đến Công viên Quách Thị Trang và Công viên 23-9 đều quy hoạch đất công viên cây xanh, từ đó hình thành một trục không gian xanh, không gian công cộng liên hoàn cho khu vực lõi trung tâm.