Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng của cả nước. Chung tay thực hiện mục tiêu đó, tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh đã xung kích thực hiện hiệu quả các hoạt động trong tham gia bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự tại các xã nông thôn mới.

Thanh niên huyện Bình Chánh trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại ngày hội Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thanh niên huyện Bình Chánh trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại ngày hội Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới.

Là một trong những đơn vị tích cực tham gia chương trình Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới, nhiều năm qua, các đoàn viên, thanh niên Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã đưa các kỹ sư, cán bộ trẻ về tiếp cận và triển khai nhiều hoạt động thiết thực đến bà con nông dân các huyện ngoại thành của thành phố và một số tỉnh lân cận. Anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu, Bí thư Ðoàn Thanh niên Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao cho biết: Trong giai đoạn 2013 - 2017, các bạn trẻ của đơn vị đã tổ chức 20 lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên nông thôn tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè của thành phố và các tỉnh Long An, Tây Ninh, Ðác Nông. Các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ như: “Kỹ thuật trồng hoa lan” tại huyện Bình Chánh; “Kỹ thuật áp dụng hệ thống phun sương tưới lan”; báo cáo chuyên đề “Giới thiệu những mô hình nông nghiệp hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh” ở xã An Phú, huyện Củ Chi; “Kỹ thuật trồng hoa lan và cây cảnh” tại ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi; “Kỹ thuật trồng rau an toàn” tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn; “Kỹ thuật trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao” tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi; “Kỹ thuật trồng rau mầm và rau sạch” tại huyện Cần Ðước, tỉnh Long An; “Kỹ thuật trồng rau sạch” tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi và xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn; “Giới thiệu, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới cho hộ nông dân trồng thí điểm trên địa bàn huyện” tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè;…

Là một trong những người thụ hưởng chương trình chuyển giao kỹ thuật, bà Nguyễn Lan Mỹ (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) cho biết: Qua giới thiệu và hướng dẫn tận tình của các bạn trẻ, người dân chúng tôi đã nắm rõ kỹ thuật trồng rau an toàn, khoa học để chủ động trong sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng đoàn viên, thanh niên Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai hơn 20 lớp chuyển giao kỹ thuật đến người dân. Chúng tôi đang nỗ lực để các vấn đề tổ chức đoàn triển khai được người dân áp dụng một cách hiệu quả bởi nông nghiệp sạch là lĩnh vực đang được thành phố và các đơn vị chức năng rất quan tâm, anh Duy Lưu chia sẻ.

Xây dựng nông thôn mới là một trong các mục tiêu quan trọng của chiến dịch Mùa hè xanh 2019. Các hoạt động không chỉ tập trung hỗ trợ cho năm huyện ngoại thành thành phố mà còn tại 16 tỉnh có chiến sĩ Mùa hè xanh của thành phố Hồ Chí Minh đóng quân. Tại huyện Bình Chánh, dịp hè vừa qua, địa phương này cũng được chọn làm điểm tập trung các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Qua thời gian triển khai, nhiều mô hình lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đã ra mắt, trong đó, đáng chú ý với những mô hình như: giới thiệu quy trình nhiều loại rau an toàn, hoa lan; những sản phẩm thủ công thân thiện môi trường như giỏ đi chợ, các loại ống hút từ cỏ dùng một lần, ống hút tre,… Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ trẻ (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) Ðoàn Kim Thành cho biết: “Trong các đợt đưa tri thức trẻ về địa phương, đơn vị chú trọng một số chuyên đề về trồng rau an toàn, chia sẻ kiến thức pháp luật được trí thức khoa học trẻ tình nguyện tổ chức tại các xã của nhiều huyện ngoại thành; tham quan một số mô hình nông nghiệp thành công,… Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối để các thanh niên được vay vốn khởi nghiệp;… Tương tự, hè 2019, tại huyện Củ Chi, các bạn trẻ thành phố cũng tổ chức các đợt Phổ biến thông tin chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tập huấn xây dựng Vườn mẫu cho đoàn viên, thanh niên và nông dân làm kinh tế nông thôn; tập huấn kiến thức trồng rau ăn lá, rau mầm ứng dụng công nghệ cao;… cho bà con nông dân”.

Hướng đến mục tiêu 100% các cấp bộ đoàn có giải pháp tuyên truyền về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020; 100% thanh niên tại các xã xây dựng nông thôn mới được tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ về học nghề và việc làm, phấn đấu đạt tỷ lệ 70% thanh niên qua đào tạo nghề; 100% các xã đoàn phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ ít nhất một mô hình kinh tế nông nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Ngoài ra, tại các địa phương, tuổi trẻ thành phố sẽ tiến hành bê-tông hóa, sửa chữa, bảo dưỡng ít nhất 10 km cầu, đường giao thông nông thôn; tư vấn sức khỏe cho ít nhất 20 nghìn lượt người dân, thanh, thiếu nhi; năm huyện đoàn duy trì hoặc thành lập mới Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế;…

Triển khai đề án tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới 2018-2022, Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn cho biết: Ðể thực hiện chỉ tiêu đề ra, các đơn vị sẽ tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường; thanh niên tham gia phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; xung kích giữ gìn an ninh trật tự khu vực nông thôn; phát huy tinh thần trách nhiệm của trí thức trẻ trong xây dựng nông thôn mới;… Thành đoàn cũng nỗ lực khắc phục một số hạn chế như: việc hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa sâu sát và bền vững; công tác đào tạo, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn hiệu quả chưa cao; hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên chưa phong phú; công tác nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan môi trường vẫn chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra;…