Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ xuất khẩu

Dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất khẩu của TP Hồ Chí  Minh  vẫn  giữ  được  đà tăng trưởng. Trong sáu tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019...

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Công nghệ cao Sài Gòn.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Công nghệ cao Sài Gòn.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, có năm nhóm hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử đạt gần 8,2 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng dệt may, giày dép lần lượt đạt 2,1 và 1,1 tỷ USD. 

Lý giải nguyên nhân hàng điện tử tăng trưởng cao, quyền Trưởng phòng Thương mại (Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Bình cho biết, do ngành điện tử thường có đơn đặt hàng trước đó nên dù xảy ra dịch bệnh thì việc sản xuất vẫn ổn định. “Có trường hợp đột biến là trong các tháng 2, 3, 4, một số nhà máy sản xuất tại Trung Quốc ngưng hoạt động nên các đơn hàng chuyển sang Việt Nam tăng cao, nhất là về Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị trước tốt hơn thì giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử sẽ còn cao hơn nữa”, ông Bình cho biết thêm.

Sự tăng trưởng của các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chủ yếu từ các DN đang hoạt động trong các khu công nghiệp, nhất là tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP). Trưởng ban Quản lý SHTP Nguyễn Anh Thi cho biết, do dịch Covid-19, một số DN đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), DN đa quốc gia bị gián đoạn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ đầu tháng 3 cho nên đã tìm kiếm các DN trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện (ngành công nghiệp hỗ trợ) để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhờ kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao đã góp phần đáng kể cho tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố tăng dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trên toàn cầu… 

Để hỗ trợ DN xuất khẩu vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng. Theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, thành phố cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN bằng thể chế; về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa khi tham gia xuất khẩu. Thành phố cần tăng cường phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước sở tại và cơ quan đại diện của các nước tại Việt Nam để nắm bắt thông tin về nhu cầu hàng hóa, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm... của thị trường các nước, để kịp thời hỗ trợ thông tin và giúp DN chuẩn bị chiến lược xuất khẩu phù hợp nhất trong giai đoạn sau dịch Covid-19.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, ITPC sẽ tiếp tục tổ chức cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng xuất khẩu để hỗ trợ DN cập nhật thông tin thị trường một cách nhanh chóng nhất. Chọn lọc sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của thành phố, tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với thị trường của từng quốc gia, nhất là thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại. Triển khai các khóa huấn luyện đào tạo, nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến thiết kế, bao bì sản phẩm cho phù hợp với văn hóa và tập quán của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần hỗ trợ DN nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và đạt hiệu quả cao khi tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần tận dụng cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường... Đồng thời, các ngành chức năng cần kiểm soát hiệu quả tình hình nhập khẩu; chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước…