Tăng cường quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập

Số lượng cơ sở mầm non tư thục tại nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh đã góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu về chỗ học của trẻ. Tại nhiều quận, huyện, số trẻ học cơ sở mầm non ngoài công lập chiếm hơn 77% số trẻ mầm non. Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang gặp không ít khó khăn…

Giờ học tại một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc quận 12.
Giờ học tại một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc quận 12.

Quận Gò Vấp có 173 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó trường mầm non tư thục là 48 cơ sở và nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là 199 cơ sở. Năm học 2017-2018 vừa qua, số trẻ học ở các cơ sở mầm non ngoài công lập chiếm 54,7% số trẻ theo học mầm non toàn quận.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Gò Vấp Bùi Thị Minh Nguyệt cho biết, quận có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, tạo áp lực rất lớn trong giải quyết nhu cầu học tập của trẻ em. Riêng ở bậc mầm non, số trẻ năm học 2015-2016 tăng 4,5% so với năm học 2014-2015 và năm học 2017-2018 tăng 30,84% so với năm học 2016-2017. Do số trẻ tăng nhanh, các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu.

Không chỉ tại Gò Vấp, nhiều quận, huyện khác cũng có số trẻ học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập khá cao. Quận 12 có 237 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo - mầm non tư thục trong tổng số 308 cơ sở mầm non và tỷ lệ trẻ học tại cơ sở ngoài công lập là 77,5%. Quận Thủ Ðức có 92 trường mầm non tư thục và 104 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong tổng số 218 cơ sở mầm non và số trẻ học tại cơ sở ngoài công lập chiếm 60%. Quận Tân Phú có 12 trường mầm non công lập nhưng có đến 44 trường ngoài công lập, 99 nhóm lớp độc lập ngoài công lập, số trẻ học tập tại cơ sở ngoài công lập chiếm 66,5%. Quận Bình Tân có 348 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 64 trường ngoài công lập và 262 nhóm lớp, 72 nhóm trẻ gia đình; tỷ lệ trẻ học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập là hơn 73%...

Số lượng trường mầm non tư thục phát triển nhanh đã góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu chỗ học của trẻ. Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng đang gặp không ít khó khăn. Thực tế thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ bạo hành trẻ tại TP Hồ Chí Minh, trong đó vụ bạo hành tại cơ sở mầm non ngoài công lập Mầm Xanh (quận 12) gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Qua tìm hiểu, khó khăn hiện nay trong công tác quản lý là đa số các nhóm lớp ngoài công lập phải thuê mướn địa điểm nên chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các nhóm lớp di dời, thay đổi địa điểm khi hết thời hạn hợp đồng nhà dẫn đến công tác quản lý nhóm lớp chưa chặt chẽ. Các nhóm giữ trẻ tại gia đình chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, người giữ trẻ phần lớn là người lớn tuổi, cơ sở vật chất hạn chế, không đủ điều kiện để cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường mầm non ngoài công lập thường xuyên biến động, việc bồi dưỡng chuyên môn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, không ít cơ sở mầm non ngoài công lập đã bị đình chỉ hoạt động, phần lớn do không bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ. Riêng tại quận 12, từ tháng 11-2017 đến 4-2018 đã đình chỉ hoạt động một trường ngoài công lập và sáu lớp mẫu giáo, mầm non tư thục; giải thể ba lớp mẫu giáo và 11 nhóm, lớp tự giải thể. Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận 12 Khưu Mạnh Hùng cho biết, các cơ sở mầm non bị đình chỉ hoạt động là do không bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ, không chấp hành quy định tổ chức hoạt động…

Theo UBND quận 12, để quản lý tốt hơn cơ sở mầm non ngoài công lập, quận đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu điện tử để cơ quan quản lý và phụ huynh học sinh, người dân theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động đối với trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Trịnh Thị Mỹ Lan cho biết, hệ thống phần mềm quản lý mầm non ngoài công lập giúp thông tin một cách công khai, đầy đủ đến người dân về địa chỉ, quy mô trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số học sinh, trình độ giáo viên ở tất cả cơ sở mầm non ngoài công lập; đồng thời cho phép người dân có thể tham gia tương tác, phản ánh trực tiếp về chất lượng hoạt động cũng như kiến nghị về công tác quản lý nhà nước đối với loại hình mầm non ngoài công lập.

Ðại diện một số quận, huyện cho rằng, các nhóm trẻ mẫu giáo độc lập đa phần là hợp đồng thuê lại nhà ở để tổ chức hoạt động giáo dục cho nên không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng nhằm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Vì vậy, việc tháo gỡ vướng mắc giúp các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục được vay vốn đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ là giải pháp hết sức quan trọng.

Ðể nâng cao hiệu quả quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Trần Văn Phúc cho rằng, thành phố cần có tỷ lệ định biên cán bộ phụ trách quản lý khối ngoài công lập phù hợp theo yêu cầu thực tế về quy mô, số lượng cơ sở ở khối này và có chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non ngoài công lập nhiều hơn nữa.