Tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ “hút” thí sinh

Kỳ tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT được các trường tại TP Hồ Chí Minh “đánh mạnh”, thậm chí có trường xem đây là phương thức xét tuyển chính để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh.

Phụ huynh, học sinh nộp hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ tại Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.
Phụ huynh, học sinh nộp hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ tại Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Ghi nhận nhanh về phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cho tới nay, ngoài những trường thành viên của Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các trường còn lại đều sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT cho mùa tuyển sinh năm 2020 - 2021. Trường ít dành ra 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, trường nhiều tới 70% tổng chỉ tiêu. Năm nay, là năm đầu tiên Trường đại học (ÐH) Nông Lâm TP Hồ Chí Minh thực hiện xét tuyển bằng học bạ THPT với khoảng 40 đến 50% tổng chỉ tiêu.

TS Trần Ðình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết, việc nhà trường thêm phương thức tuyển sinh này nhằm thích ứng với bối cảnh mới khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) không còn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Mặt khác, chất lượng giáo dục bậc học phổ thông trong khoảng 5 năm trở lại đây có sự chuyển biến rất rõ nét về chất lượng đào tạo, cũng như chất lượng giáo dục toàn diện là nguyên nhân khiến nhà trường chọn phương thức này.

Trong khi đó, Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh lại dành tới 70% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức học bạ THPT. Năm học 2019 - 2020, chỉ riêng xét tuyển bằng phương thức tuyển thẳng học sinh giỏi, trường tuyển được 2/3 tổng chỉ tiêu. Do đó, năm nay, trường dành đến 70% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT cho thấy, Hội đồng tuyển sinh trường rất tin vào kết quả học tập của học sinh. Hàng loạt trường đại học ngoài công lập như: ÐH Nguyễn Tất Thành, ÐH Quốc tế Hồng Bàng, ÐH Lạc Hồng, ÐH Kinh tế - Tài chính, ÐH Văn Hiến... cũng có điều chỉnh về tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Ðơn cử, Trường ÐH Nguyễn Tất Thành dành 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ, ÐH Văn Hiến dành 40%.

Về phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT, gần như các trường đều sử dụng hai cách: Xét tổng điểm trung bình lớp 12 của tổ hợp 3 môn từ đủ 18 điểm trở lên và xét tổng điểm của 5 học kỳ liên tiếp (học kỳ I, II lớp 10; học kỳ I, II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên. Thông tin chúng tôi ghi nhận được, số lượng hồ sơ thí sinh nộp xét tuyển bằng phương thức học bạ khá cao. Nhiều trường ghi nhận mức hồ sơ ở con số 5.000 đến 7.000 (cả hai hình thức online và trực tiếp). Cá biệt có trường đã đạt xấp xỉ gần 9.000 hồ sơ, còn thấp nhất cũng đạt trên 2.000 bộ.

Ðánh giá về sự dịch chuyển lớn trong phương thức tuyển sinh năm học 2020 - 2021, TS Trần Ðình Lý cho rằng, đó là xu thế tất yếu và phù hợp với Luật Giáo dục Ðại học năm 2018 về tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Kỳ thi THPT quốc gia không còn, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao cho các địa phương, việc học sinh được sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển vào đại học là hoàn toàn đúng và giảm tính may rủi của một kỳ thi.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Dung, Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Trường ÐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: Hình thức tuyển sinh linh hoạt, nhất là phương thức xét tuyển học bạ THPT giúp học sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, chọn ngành học.