Tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên

Với đức tính chịu thương, chịu khó, phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã gây dựng cơ sở kinh doanh và làm kinh tế gia đình từ nguồn vốn ít ỏi, qua đó vừa tạo lập cuộc sống vững vàng, vừa giúp đỡ người lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.

Chị Trần Thụy Thúy Vi, chủ cơ sở sản xuất tranh giấy xoắn Alice, thiết kế và gia công các mẫu sản phẩm.
Chị Trần Thụy Thúy Vi, chủ cơ sở sản xuất tranh giấy xoắn Alice, thiết kế và gia công các mẫu sản phẩm.

Chiều muộn nhưng cơ sở gia công bao bì của bà Phạm Thị Hoa, số 451/15B Trần Xuân Soạn, khu phố 3 (phường Tân Hưng, quận 7) vẫn còn tất bật công việc cắt, dán bao bì. Tại đây, hàng chục chị em cùng bà Hoa thoăn thoắt gấp và đóng gói bao bì vào các bao hàng để kịp đưa lên xe, chuyển đi giao cho các công ty, doanh nghiệp. Chủ cơ sở đóng gói bao bì đã ở tuổi 61 nhưng dáng vẻ rất nhanh nhẹn, luôn tận tình hướng dẫn các chị em phải chú ý sự tỉ mỉ, chu đáo để bao bì làm ra ít bị lỗi và đạt độ sắc sảo. Bà Hoa nhớ lại, thời điểm năm 2008 trở về trước, cả hai vợ chồng không có công việc ổn định, kinh tế gia đình eo hẹp, nên bà phải mưu sinh bằng nghề phụ bán quán ăn, buổi tối nhận thêm gia công bao bì, kết cườm làm thêm. Dần dà quen với nghề mà thu nhập lại ổn định cho nên năm 2009, bà Hoa mạnh dạn thành lập tổ gia công bao bì tại nhà với số vốn vay 10 triệu đồng từ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường để mua nguyên liệu làm bao bì và sửa sang căn phòng khang trang làm chỗ để hàng. Từ ban đầu với 30 thành viên, đến nay sau gần 10 năm, cơ sở đã có 80 thành viên. Cơ sở của bà Hoa còn giải quyết việc làm cho 20 thợ làm thường xuyên tại chỗ với mức lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng và 100 thợ nhận hàng làm ở nhà trả lương theo sản phẩm, với thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Bà Phạm Thị Hoa chia sẻ: “Nghề gia công bao bì dễ học, dễ làm, để làm ra một sản phẩm chỉ cần phải qua hai đến ba công đoạn. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Trong một ngày, một thợ làm nhanh có thể làm từ 1.000 đến 1.500 cái/ngày với mức thu nhập 50.000 đến 80.000 đồng”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Hưng, quận 7 đánh giá: Cho đến nay, cơ sở gia công của bà Hoa được xem là một mô hình làm kinh tế gia đình hay cần được nhân rộng tại địa phương, qua đó đã mở hướng vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, với cương vị là Tổ phó tổ dân phố 15, cộng tác viên dân số của phường, hội viên hội phụ nữ, bà Hoa cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ tại cộng đồng dân cư.

Di chuyển khó khăn vì chân phải bị teo cơ lúc bẩm sinh, nhưng bù lại chị Trần Thụy Thúy Vi (sinh năm 1979) lại có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa. Tốt nghiệp THPT, rồi học các khóa học ngắn hạn về đồ họa, Vi đã biết tự lo cho bản thân mà không phụ thuộc gia đình khi có nguồn thu nhập từ công việc vẽ nhân vật cho phim hoạt hình tại một công ty của Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, năm 2018, chị Vi tiếp tục học tập nâng cao trình độ khi thi đậu và trở thành sinh viên ngành mỹ thuật của Trường đại học Hồng Bàng. Sau 5 năm theo học, năm 2013, chị Vi nhận bằng cử nhân và mạnh dạn thành lập Cơ sở sản xuất tranh giấy xoắn Alice (đặt tại cư xá Vĩnh Hội, phường 6, quận 4). Ban đầu chỉ có mình Thúy Vi tự thiết kế và bắt tay thao tác giấy xoắn thành các mặt hàng lưu niệm xinh xắn như thiệp, tranh vẽ, chậu cây… để gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Sau đó, Vi tuyển thêm nhân viên và hiện đã có bảy cộng sự, trong đó có cả một số bạn khuyết tật cùng làm. Dù mức lương trả cho nhân viên chưa cao, trung bình từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng nhưng Thúy Vi cùng các bạn được thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật làm giấy xoắn tạo ra những sản phẩm thủ công (handmade) thú vị và ý nghĩa. Những bạn trẻ khuyết tật đam mê làm sản phẩm bằng giấy xoắn không chỉ được dạy nghề mà còn được Vi miễn phí nơi ăn chốn ở. “Tôi hiểu rằng, nếu được tôn trọng, các bạn sẽ cống hiến hết mình cho công việc, nghệ thuật. Tôi mong đón thêm nhiều học viên mới, giúp họ có công việc ổn định, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, Thúy Vi chia sẻ.

Trong nhịp sống hối hả của thành phố, còn rất nhiều những tấm gương phụ nữ dù ở lứa tuổi nào cũng bứt phá vươn lên, không chấp nhận rào cản về hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn, chủ động, tích cực tìm tòi, học tập và sáng tạo để biến ước mơ làm giàu chân chính thành hiện thực.