Sức sống mới của Đờn ca tài tử

Hoạt động Đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh trong hơn một năm qua có nhiều dấu ấn dù đại dịch Coivid-19 ảnh hưởng không nhỏ. Bên cạnh hình thức sinh hoạt tại các câu lạc bộ (CLB) quận, huyện, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện đa dạng, phong phú nhằm mang đến cho Đờn ca tài tử sức sống mới, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của công chúng.

Nhạc hội “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Báu vật đất phương nam” tạo ấn tượng cho người xem.
Nhạc hội “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Báu vật đất phương nam” tạo ấn tượng cho người xem.

Do dịch Covid-19 bùng phát, buổi tổng kết Cuộc vận động sáng tác lời mới Đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh năm 2020 không diễn ra như dự kiến, dù Ban tổ chức đã chuẩn bị một chương trình báo cáo đầy công phu, hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả cho thấy, cuộc vận động đã thu hút nhiều tác giả tham dự, chất lượng các tác phẩm được nâng lên. Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 tác phẩm của gần 100 tác giả chuyên và không chuyên trên mọi miền đất nước với đầy đủ các thể loại như bài bản Tổ, bài bản Ngự, bản Vắn, Vọng cổ và bài bản kết hợp các hơi - điệu của âm nhạc tài tử. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, cuộc vận động lần này đã thành công tốt đẹp. Phần lớn các tác phẩm dự thi đúng chủ đề, đúng tiêu chí của Ban tổ chức đặt ra. Các tác giả có đầu tư về mặt ý tưởng nội dung và dành thời gian chăm chút cho tác phẩm. Trong đó, nhiều tác phẩm phù hợp với cuộc sống của thời đại, mang giá trị nghệ thuật cao… Thông qua cuộc vận động, nhiều tác phẩm chất lượng đã ra đời, góp phần làm tươi mới cho phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đẩy mạnh các cuộc vận động sáng tác lời mới, năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có những chương trình biểu diễn Đờn ca tài tử được thực hiện quy mô, mới lạ trong hình thức thể hiện. Điển hình như chương trình Nhạc hội “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Báu vật đất phương nam” được diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua. Sân khấu chương trình được dựng trước Nhà hát thành phố, tạo ra một không gian mở kết nối với khán giả. Ông Phạm Thái Bình, Phòng Nghệ thuật dân gian, Trung tâm văn hóa thành phố cho biết: Biểu diễn ngoài trời, những nơi công cộng không phải là hình thức mới, nhưng với Nhạc hội “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Báu vật đất phương nam” điểm nhấn chính là chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng hơn để thu hút khán giả cả phần “nghe” lẫn phần “nhìn”. Dù được rút gọn lại để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chương trình vẫn thể hiện được trọn vẹn quá trình hình thành và phát triển của môn nghệ thuật dân tộc độc đáo này. Sân khấu của chương trình được mô tả như một bức tranh toàn cảnh của không gian văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều hình thức sinh hoạt tiêu biểu trên những dòng sông nên thơ, trên ruộng đồng với lịch sử khẩn hoang một vùng đất mới; trên những miệt vườn trù phú với đời sống phóng khoáng và nghĩa tình của những người dân cần cù, chịu khó; trên những chiếc ghe bầu xuôi ngược sông rạch… Là một trong những nghệ sĩ vinh dự được tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt này, Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tuyết cho biết, chị rất hạnh phúc và tự hào khi góp mặt trong chương trình tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Theo Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tuyết, nhiều năm rồi, thành phố mới có một chương trình Đờn ca tài tử được tổ chức quy mô như thế. Chương trình tập hợp đông đảo nghệ nhân, tài tử đến từ các quận, huyện đã tạo nên một buổi biểu diễn mang nhiều màu sắc với chất lượng cao.

Nhằm mang lại sức hấp dẫn cho Đờn ca tài tử, TP Hồ Chí Minh đã đưa loại hình nghệ thuật đặc sắc này biểu diễn ở những không gian đặc biệt, tạo nên sự mới lạ cho người biểu diễn lẫn người xem. Vào dịp Tết Tân Sửu vừa qua, tại chợ Hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” (quận 8) lần đầu được tổ chức với quy mô cấp thành phố, Ban tổ chức đã đưa vào chương trình Đờn ca tài tử với hình thức biểu diễn… trên ghe. Anh Nguyễn Văn Tùng, nhà vườn tại Chợ Lách, Bến Tre cho biết, anh bán mai ở chợ xuân này hơn mười năm nhưng đây là lần đầu anh được nghe Đờn ca tài tử, ca cổ trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Tiếng hát của các nghệ nhân, nghệ sĩ cất lên giữa sông nước đã mang đến một không khí Tết miền tây giữa lòng thành phố khá ấn tượng. Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vào những ngày Tết đến Xuân về sẽ diễn ra hằng năm. Đây sẽ là một điểm nhấn độc đáo của chợ hoa xuân Bến Bình Đông.

Để bảo tồn, phát triển Đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại do UNESCO công nhận, bên cạnh đào tạo đội ngũ kế thừa, cần khoác những “chiếc áo mới” cho Đờn ca tài tử trong những hoạt động nghệ thuật nơi công cộng để tạo sự hấp dẫn, gần gũi với công chúng hôm nay, nhất là những người trẻ. Ngoài hình thức biểu diễn, sinh hoạt Đờn ca tài tử theo nhóm, CLB như trước nay, việc duy trì Nhạc hội Đờn ca tài tử, thi sáng tác lời mới, hay chương trình biểu diễn “trên bến dưới thuyền”, gắn với hoạt động du lịch sẽ thổi một luồng gió mới, qua đó, mang lại hiệu quả về công tác bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng, nghệ thuật dân tộc nói chung tại thành phố.