Siết chặt đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-12 vừa qua sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sát hạch để cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới.

Sân thực hành dành cho học viên học lái xe ô-tô tại Trung tâm sát hạch lái xe Hoàn Cầu, huyện Bình Chánh.
Sân thực hành dành cho học viên học lái xe ô-tô tại Trung tâm sát hạch lái xe Hoàn Cầu, huyện Bình Chánh.

Bổ sung nhiều quy định

Theo quy định mới, các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (gọi tắt TTĐT) phải đầu tư thêm thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe gồm: Hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca-bin học lái xe ô-tô. Lưu lượng đào tạo được xác định trên cơ sở số phòng học, sân tập lái... Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các TTĐT phải mua sắm trang thiết bị nhằm giám sát trực tuyến và truyền dữ liệu các hoạt động đào tạo sát hạch lái xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Điều này nhằm tăng tính công khai, minh bạch và hạn chế tối đa việc gian lận trong thi cử. Ngoài ra, thông tư còn quy định việc sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) phải được giám sát bằng ca-mê-ra đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch tại các khu vực có bài sát hạch. Thông tư cũng quy định trong chương trình đào tạo lý thuyết để cấp GPLX hạng B1, B2 và C sẽ có thêm nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Theo đó, từ ngày 1-1-2020 các TTĐT phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo sát hạch lái xe, lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường nhằm giám sát số ki-lô-mét học lái xe trên đường của học viên. Từ ngày 1-5-2020, các TTĐT ô-tô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ của học viên trên lớp. Từ 1-6-2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của TTĐT. Thông tư cũng quy định tổng số giờ học thực hành lái xe trên một xe tập lái và trên ca-bin học lái xe ô-tô là 340 giờ (đối với xe số tự động), 420 giờ (đối với xe số cơ khí) và B2 và 752 giờ (đối với hạng C). Trong đó tổng số giờ học thực hành lái xe trên xe tập lái không dưới 15 giờ đối với người học hạng B1 và B2, không dưới 24 giờ đối với hạng C... tổng số giờ một khóa đào tạo đối với hạng B1 là 476 giờ (đối với xe số tự động), 556 giờ (đối với xe số cơ khí) và 588 giờ đối với B2 và 920 giờ đối với hạng C. Bên cạnh đó số câu hỏi ôn thi lý thuyết cũng tăng từ 450 câu lên 600 câu...

Lo ngại “đội” chi phí đầu tư

Nếu theo thông tư này, trung bình một TTĐT với lưu lượng 1.000 học viên phải cần ít nhất khoảng 10 ca-bin điện tử, mỗi ca-bin có giá từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Mỗi xe tập lái phải gắn thêm ca-mê-ra theo dõi, bình quân khoảng 10 triệu đồng/ca-mê-ra. Ngoài ra, người học còn phải đóng thêm tiền học luật giao thông đường bộ... Do đó, bắt buộc các TTĐT phải tăng tiền học phí. Đại diện TTĐT Hoàng Gia (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Luôn ủng hộ chủ trương của Bộ GTVT. Đây là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, cũng nên có lộ trình và quy chuẩn của các thiết bị để các TTĐT dễ áp dụng. Trong khi đó, Giám đốc TTĐT Tiến Thắng (TP Hồ Chí Minh) Hoàng Văn Hiền cho biết: Tôi hoàn toàn ủng hộ áp dụng khoa học công nghệ vào việc đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe của Bộ GTVT. Đồng thời cho rằng, đây là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng. Bởi trước đây việc giám sát chất lượng đào tạo chỉ thực hiện tại cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch. Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan chức năng cùng giám sát trực tiếp thông qua đường truyền dữ liệu sẽ tốt hơn. Mặt khác, thông tư này ra đời có nhiều tình huống giao thông kèm theo các giải pháp xử lý cụ thể thông qua thiết bị mô phỏng giúp người học được nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế. Tuy nhiên, để đầu tư thiết bị ca-bin điện tử doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản tiền lớn, trong khi hiện nay chưa đánh giá được hiệu quả cũng như chất lượng của thiết bị. Vì vậy, nếu được Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét chỉ áp dụng thí điểm tại một vài đơn vị, sau đó sẽ đánh giá hiệu quả nếu khả thi thì nhân rộng ra phạm vi toàn quốc.

Theo lý giải của các cơ quan chức năng, việc tăng cường quản lý TTĐT là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm tai nạn giao thông. Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lương Duyên Thống cho biết: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực hành đào tạo lái xe trên sa hình. Theo đó, các tình huống thường dẫn đến tai nạn giao thông trong thực tế sẽ được đưa vào phần mềm để đào tạo và giảng dạy, giúp người học có thêm kinh nghiệm cũng như có những giải pháp xử lý thích hợp. Để thực hiện nội dung này, hiện Tổng cục đang xúc tiến xây dựng một TTĐT với kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động, tất cả dữ liệu liên quan đến đào tạo và sát hạch lái xe trên toàn quốc sẽ được truyền tải về đây để quản lý.