Phát triển khu công nghiệp thông minh

Xây dựng khu công nghiệp (KCN) thông minh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay. Ðó cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp (DN) tại các KCN, khu chế xuất (KCX) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh...

Một góc Công viên phần mềm Quang Trung ở quận 12. Ảnh: NGỌC HOA
Một góc Công viên phần mềm Quang Trung ở quận 12. Ảnh: NGỌC HOA

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động tiêu cực đến hoạt động của các DN, thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh Cao Thị Phi Vân nhận định: "Dịch Covid-19 xảy ra đã thúc đẩy CNTT phát triển mạnh để kết hợp với sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ðây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, các DN thành phố nói riêng và cả nước nói chung cần tận dụng thời cơ, không nên trì hoãn ứng dụng CNTT để nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh trong tình hình mới".

Hiện nay, các KCN, KCX, đơn vị liên quan đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư ngành CNTT theo định hướng chung của thành phố. Ðây là cơ sở quan trọng để phát triển các KCN, KCX trên địa bàn thành phố theo mô hình KCN thông minh, đáp ứng xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ðịnh hướng thu hút phát triển CNTT của thành phố là cơ hội để kết nối, giúp các DN hoạt động trong các KCN, KCX có cơ hội tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, định hướng phát triển theo hình mẫu thông minh, đáp ứng xu thế phát triển nhanh chóng của Việt Nam và thế giới.

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2020, cả nước có gần 330 KCN, KCX được thành lập, trong đó có hơn 250 khu hoạt động với tổng diện tích 66 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy 73%. Hiện, TP Hồ Chí Minh có 17 KCN, KCX, khu công nghệ cao đang hoạt động với diện tích hơn 3.800 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 73%. Tuy nhiên, phần lớn các KCN, KCX hiện nay chỉ dừng lại ở việc đáp ứng cơ bản về hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý chất thải…, chưa chú trọng triển khai nhiều ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, phát triển hạ tầng. Cùng với đó, thiếu các công cụ quản lý tập trung, hỗ trợ hệ thống an ninh; thiếu sự thu hút và dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Việc xây dựng hệ thống các KCN, KCX thông minh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được TP Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. CNTT có sức mạnh thay đổi cục diện của một nền sản xuất khi mọi thứ đều tự động hóa, đồng thời sẽ giúp lãnh đạo các KCN, KCX và DN có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh. Từ đó, hạn chế sự phụ thuộc vào nhân công và giảm đến mức thấp nhất các sai sót do con người trực tiếp thực hiện và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), đơn vị dẫn đầu ứng dụng CNTT để xây dựng KCN thông minh tại thành phố cho biết, QTSC đã và đang triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh tại QTSC với ba mục tiêu chính, đó là: Nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu. Nhờ vậy, hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận: Giảm thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ hai ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn hai phút; giảm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15 nghìn đồng xuống còn 3.000 đồng/khách hàng. Việc ứng dụng CNTT còn giúp quản lý, truy xuất dữ liệu của từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng một ứng dụng một cách dễ dàng, tăng hiệu quả phối hợp công việc giữa các bộ phận và thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ thống kê, báo cáo số liệu một cách tức thời. Riêng hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh tại QTSC đã tiết kiệm 35% lượng điện năng tiêu thụ; việc quản lý thời gian, điều khiển chiếu sáng đèn theo lập trình và tự động, cảnh báo ngay tức thời khi có sự cố...

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết thêm: "Việc xây dựng mô hình đô thị thông minh tại QTSC đã mang lại năm kết quả tiêu biểu, đó là: Nâng cao lợi thế cạnh tranh; hoàn thiện chất lượng dịch vụ; tăng cường năng lực quản trị nội bộ; gia tăng sự hài lòng của khách hàng và tạo ra môi trường thử nghiệm công nghệ cho cộng đồng. Thời gian tới, QTSC tiếp tục triển khai theo hướng tối ưu hóa các kết quả hiện có, triển khai các ứng dụng mở rộng, tích hợp dữ liệu cùng một nền tảng và xây dựng nền tảng mở cho các bên thứ ba khai thác…".

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp KCN thành phố Hồ Chí Minh (HBA) Trần Thiên Long cho hay, để phát triển mô hình KCN thông minh, điều kiện tiên quyết là cần đầu tư, ứng dụng các giải pháp để tăng cường tính kết nối và tương tác giữa các DN trong các KCN, KCX. Từ năm 2018, HBA đã ký kết thỏa thuận với các đơn vị liên quan để hợp tác xây dựng giải pháp kết nối DN trong KCN, KCX. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kết nối hoạt động giao thương, xây dựng chuỗi cung ứng cho các DN thông qua ứng dụng hệ thống thương mại điện tử.

Ðầu tư vào các KCN thông minh đã trở thành sự lựa chọn tối ưu của các DN. Bởi, KCN thông minh là tiền đề để các DN ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu năng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và hướng đến sản xuất thông minh. Do đó, phát triển KCN thông minh là xu hướng tất yếu hiện nay mà các KCN, KCX trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cần chú trọng thực hiện...