Phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao

Hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều bước đột phá và tiếp tục giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước. Để từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới, ngành chú trọng, tập trung xây dựng ba trụ cột chính, đó là: nhà trường, học sinh và đội ngũ nhân lực.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) trong ngày khai giảng năm học mới.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) trong ngày khai giảng năm học mới.

Với đặc thù của TP Hồ Chí Minh, do số lượng tăng dân số cơ học mỗi năm, nên trong năm học mới này, thành phố lại tăng hơn 75 nghìn học sinh. Năm học 2019-2020, thành phố đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới với tổng kinh phí gần năm nghìn tỷ đồng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm thành phố xây thêm khoảng 1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số này không giải quyết được vấn đề với số học sinh tăng nhanh qua từng năm với bình quân hơn 60 nghìn học sinh/năm. Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất trường lớp trước sức ép gia tăng dân số cơ học. Áp lực này phần nào ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục để học sinh phát triển toàn diện. Đây là rào cản lớn để thành phố phấn đấu trở thành trung tâm GD và ĐT chất lượng cao trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm yêu cầu ngành GD và ĐT thành phố tiếp tục đổi mới, tham mưu những đề án, chương trình có tính đột phá, nhất là phát triển giáo dục gắn với khoa học - công nghệ. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo UBND 24 quận, huyện rà soát lại quy hoạch đất, tập trung ưu tiên đất cho giáo dục bảo đảm đủ trường lớp, giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày. Trước thềm năm học mới này, UBND thành phố có văn bản yêu cầu Sở GD và ĐT quyết liệt đổi mới phương pháp dạy và học; kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học. Thực hiện có hiệu quả các mô hình “Trường học thông minh”; triển khai hiệu quả các mô hình, giải pháp như: mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, chương trình “Dạy toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt”…

Thành phố xác định GD và ĐT là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng hệ thống GD và ĐT được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến nhưng vẫn giữ vững được bản sắc dân tộc, đưa thành phố trở thành trung tâm GD và ĐT chất lượng cao.

Theo đó, đối với nhà trường, thành phố tiếp tục xây dựng các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị dạy học thiết yếu, như: các phòng học thông minh, phòng đa năng, nhà thể chất… và hệ thống hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ (trang thiết bị và phần mềm, hệ thống mạng, các chương trình kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục…) nhằm nâng cao chất lượng công tác dạy và học. Song song đó, xây dựng hệ thống thông tin quản lý GD và ĐT theo mô hình quản trị nhà trường, quản lý giáo dục đẳng cấp quốc tế với các phần mềm quản lý thông tin cùng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, dễ dàng theo dõi được hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh, từ đó đề ra các chính sách điều hành hiệu quả, phù hợp.

Đối với học sinh, từng bước tạo điều kiện cho học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong trường, có thể học mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, bảo đảm phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện. Đến năm 2030, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố. Có ít nhất 20% số trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, nhất là các hoạt động tập thể, ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Mỗi học sinh đam mê ít nhất một môn thể thao, có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Học sinh thành phố có chiều cao và thể lực trong tốp đầu của cả nước, đạt và vượt mức chiều cao trung bình ở mức khá của các nước Đông - Nam Á.

Về đội ngũ nhân lực, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng; có trình độ ngoại ngữ và tin học bảo đảm khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin khi thực hiện công tác giảng dạy và tiếp cận với các tri thức mới, giao lưu, hội nhập với thế giới. Các giáo viên ngoài giỏi chuyên môn còn có hiểu biết xã hội sâu rộng, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo. Đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, trình độ chuyên môn cao có thể tiến hành quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng thông qua trung tâm điều hành một cách hiệu quả. Có khoảng 10% giáo viên dưới 30 tuổi có thể giảng dạy được các môn bằng song ngữ Anh - Việt. Đẩy mạnh chính sách ưu tiên đặc thù trong việc tuyển chọn bổ sung cán bộ, giáo viên giỏi chuyên môn và thành thạo tiếng Anh làm công tác giảng dạy và quản lý các cơ sở giáo dục…