Những vấn đề đặt ra cho năm học mới

Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức khảo sát chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học 2018 - 2019. Qua đó, nhiều phụ huynh đã nêu lên những tâm tư, nguyện vọng với mong muốn góp phần đưa ngành giáo dục thành phố tiếp tục phát triển, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Học sinh trung học tiêu biểu của thành phố nêu ý kiến với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tại buổi đối thoại "Văn hóa ứng xử học đường".
Học sinh trung học tiêu biểu của thành phố nêu ý kiến với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tại buổi đối thoại "Văn hóa ứng xử học đường".

Qua nắm bắt dư luận xã hội của Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh, nhìn chung công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học mới đều được 24 quận, huyện thực hiện công khai, nghiêm túc, công bằng, đúng tuyến, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Về cơ sở trường lớp, thành phố đã đầu tư xây dựng mới nhiều trường học ở các cấp với quy mô lớn, trang thiết bị dạy học bảo đảm công tác giảng dạy cho hơn 1,6 triệu học sinh. Các phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quận, huyện chỉ đạo tất cả các trường trang bị sách giáo khoa cho giáo viên phục vụ công tác giảng dạy, bảo đảm đủ lượng sách giáo khoa cho học sinh học tập...

Mặc dù công tác chuẩn bị cho năm học mới được ngành giáo dục thành phố chuẩn bị chu đáo, nhưng qua khảo sát ý kiến của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, một số trường có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học nhưng thực hiện không thường xuyên; tình trạng bạo hành học sinh, nhất là các cháu mầm non tại các nhóm lớp ngoài công lập còn diễn ra gây bức xúc trong dư luận; công tác phổ cập bơi cho học sinh chưa đạt yêu cầu; ở một số quận, huyện, cơ sở trường, lớp chưa đáp ứng yêu cầu số lượng học sinh ngày càng tăng; công tác tuyển dụng giáo viên chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra... Qua nắm bắt dư luận người dân tại quận 12, nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, là quận vùng ven, đất rộng, các dự án nhà ở, chung cư được xây dựng nhiều, người dân từ nơi khác tập trung về sinh sống cho nên hệ thống trường lớp đang trong tình trạng quá tải, rất ít trường tiểu học, THCS có lớp học bán trú, gây nhiều khó khăn cho phụ huynh là công nhân, viên chức... do đó, rất dễ xảy ra tình trạng chạy trường, chạy lớp. Tại quận Tân Bình, một số trường chưa quan tâm, chú ý bổ sung các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hằng năm nhằm bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, môi trường hoạt động của trẻ.

Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A cho biết: “Giáo dục thành phố ngày càng phát triển, khẳng định là địa phương tiên phong trong sáng tạo, đổi mới giáo dục của cả nước, nhất là đã hình thành 38 trường học được triển khai theo mô hình trường tiên tiến (12 trường mầm non, 14 trường tiểu học và 12 trường THCS) theo xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế. Các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học tích hợp liên môn, kết hợp dạy văn hóa với dạy kỹ năng, thể thao... được các trường quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, để ngành giáo dục thành phố phát triển hơn nữa, cần khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển dụng giáo viên. Thành phố đang thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh. Thực trạng hiện nay là năm học mới đã bắt đầu nhưng công tác tuyển dụng giáo viên ở các địa phương vẫn chưa hoàn tất, có nơi đến tháng 10 tới mới tổ chức tuyển dụng sẽ gây ảnh hưởng công tác tổ chức tại các trường”.

Theo ông Nguyễn Hữu Danh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, việc tuyển sinh những năm gần đây của ngành giáo dục thành phố được tổ chức khá tốt, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chạy trường, chạy lớp. Tuy nhiên, Sở GD và ĐT thành phố cần có cơ chế quản lý tốt hơn nguồn thu từ quỹ cha mẹ học sinh; tổ chức thu, chi phải công khai, minh bạch để tránh lạm thu, gây bức xúc trong dư luận. Ông Nguyễn Hữu Danh cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu kỹ năng, cách ứng xử chưa đúng mực của một bộ phận giáo viên. Ông Danh đề nghị Sở GD và ĐT thành phố tăng cường công tác tuyên truyền đầu năm học mới bằng cách tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ năng ứng xử cho giáo viên ở mỗi bậc học.

“Không chỉ trong năm học này, nhiều năm trước, thành phố đã nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quản lý tốt công tác thu, chi đầu năm học, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, để công tác giáo dục có hiệu quả, cần thêm sự phối hợp tốt từ gia đình và xã hội”, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố Lê Hoài Nam nói. Ông Nam cho biết, về tuyển giáo viên mới, trong năm học 2018 - 2019 có nhiều thuận lợi khi bắt đầu thực hiện cơ chế tuyển giáo viên không cần hộ khẩu thành phố. Nhu cầu tuyển dụng toàn ngành hơn 5.000 giáo viên để bổ sung cho các đơn vị nhằm thay thế giáo viên về hưu, nghỉ việc và các trường mới thành lập đi vào hoạt động trong năm học mới. Các quận, huyện đang khẩn trương trong công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Về đội ngũ, bảo đảm đạt các chuẩn nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ và tin học bảo đảm khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin khi thực hiện công tác giảng dạy và tiếp cận với các tri thức mới. Để nâng cao thực hành cho học sinh, Sở GD và ĐT thành phố đang xin chủ trương xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học hiện đại dành riêng cho học sinh, cùng đề án Thư viện thông minh liên kết với thư viện tất cả các trường.

Góp ý cho ngành giáo dục thành phố, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngành giáo dục thành phố cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện đổi mới theo xu hướng phát triển đồng bộ với các nước trong khu vực; ngày càng hạn chế và đi đến xóa bỏ tình trạng “học thiếu hành”, thiếu kỹ năng kiến thức xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gợi mở tính phản biện của học sinh, giúp học sinh nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi, phát huy tính sáng tạo của học sinh; công tác giáo dục phải tăng cường và phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường để trẻ được giáo dục, phát triển một cách toàn diện.