Những người trẻ dám nghĩ, dám làm

Trên bước đường lập thân, lập nghiệp, nhiều bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh đã tạo được ấn tượng mạnh với nhiều người khi họ dám nghĩ, dám làm, biết khai thác từ những điều bình thường nhưng ở một góc nhìn khác lúc khởi nghiệp. Hầu hết sản phẩm do những người trẻ này làm ra đã được người tiêu dùng đón nhận và dự báo sẽ tiếp tục phát triển tốt…

Chị Nguyễn Thị Hiếu (người bên phải) giới thiệu sản phẩm nấm linh chi của mình với khách hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018.
Chị Nguyễn Thị Hiếu (người bên phải) giới thiệu sản phẩm nấm linh chi của mình với khách hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018.

Gặp cô chủ trang trại nấm linh chi Ðất Thép (huyện Củ Chi) Nguyễn Thị Hiếu, cô cho hay trang trại nấm của mình đang có nhiều tin vui cả về sản lượng lẫn chất lượng, tạo ra được những sản phẩm mới từ nấm linh chi kết hợp với các loại thảo dược khác, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe người dùng.

Là người có chuyên môn về công nghệ thông tin và việc làm ổn định nhưng năm 2013, Hiếu quyết định nghỉ việc, chuyển hướng sang trồng nấm linh chi. Gom tất cả tiền tiết kiệm được, cô thuê đất, xây dựng trại khoảng 200m2, xây lò hấp, mua thiết bị, nguyên liệu, meo giống… Dù liên tiếp gặp thất bại nhưng cô không nản chí, luôn tìm cách vượt qua. Theo Hiếu, mỗi loại nấm có phương pháp và kỹ thuật trồng, chăm sóc khác nhau, nhưng đều cần tuân thủ các quy trình như: Sàng sạch nguyên liệu để loại tạp chất; bịch hấp thanh trùng phải để thật nguội trước khi cấy meo giống; nhà ươm thoáng mát và bao lưới ngăn chặn côn trùng xâm nhập... nhất là không sử dụng phân, thuốc để bảo đảm nấm sạch.

Thời gian đầu, Hiếu tập trung trồng nấm linh chi đỏ nguyên miếng nhưng không được nhiều người đón nhận. Cô nảy ý định tạo ra các sản phẩm khác như cao nấm linh chi đỏ hay linh chi hòa tan. Ðây là các sản phẩm được bổ sung các loại thảo dược khác thay vì toàn bộ nấm linh chi đỏ. Ðể tạo ra những sản phẩm này, Hiếu dành thời gian học thêm các khóa học về Ðông y, đọc sách nghiên cứu chuyên ngành về nấm linh chi và sau đó nghiên cứu, mang đi kiểm nghiệm và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Ðó là cả một quá trình dài mà Hiếu phải dày công đầu tư, tìm hiểu. Hiếu tâm sự, khó nhất là khâu kiểm nghiệm và xin giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm. Ðể được người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, giúp người sử dụng hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất và cân bằng nhất nhờ các sản phẩm thảo dược được phối trộn trong sản phẩm...

Hiện, với diện tích hơn 5.000m2 trang trại, Hiếu dành 1.000m2 để trồng nấm linh chi, phần còn lại trồng các loại thảo dược như cỏ mật ngọt, lạc tiên, đinh lăng, chùm ngây... Mới đây, Nguyễn Thị Hiếu đã đưa sản phẩm nấm linh chi của mình sang Thái-lan tiếp thị và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ khách hàng. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi và thảo dược của trại nấm Ðất Thép đã có mặt ở thị trường Ô-xtrây-li-a; Nguyễn Thị Hiếu là một chủ hàng quen thuộc của các bà nội trợ ở thành phố qua các hội chợ khởi nghiệp, phiên chợ nông sản sạch...

Sinh năm 1984, là kỹ sư công nghệ thực phẩm, Lê Thị Hiền luôn trăn trở về nguồn nông sản dồi dào, phụ phẩm bỏ đi. Tìm hiểu thực tế, Hiền biết rằng nhu cầu sử dụng than không khói tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và ở nước ta nói chung là rất lớn. Trong chế biến thực phẩm, khói và mùi do nguyên liệu gây ra, nếu xử lý tốt nguyên liệu thì sẽ khắc phục được. Hiện tại, ở Bến Tre, gáo dừa có rất nhiều, chủ yếu dùng làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làm than dừa xuất khẩu với giá rẻ. Từ thực tế này, Hiền quyết định đầu tư sản xuất than không khói thân thiện với môi trường từ gáo dừa. Từ năm 2015, than gáo dừa thương hiệu R2D của kỹ sư trẻ Lê Thị Hiền đã ra đời.

Nói về đặc tính của loại than không khói này, Lê Thị Hiền khẳng định: "Khi gia công gáo dừa theo quy trình đúng tiêu chuẩn sẽ cho ra sản phẩm than không tạo khói, không có mùi, không tro bám vào thức ăn và hoàn toàn không bắn tia lửa. Than thành phẩm có thể dùng trong các nhà hàng nướng. Phụ nữ sau khi sinh cũng dùng được loại than này để sưởi ấm nhờ độ an toàn cao".

Hiện mỗi ngày, than gáo dừa R2D được sản xuất khoảng 2,5 tấn. Sản phẩm tiêu thụ tại nhiều quán nướng ở thành phố, cửa hàng thực phẩm sạch Organica, bán trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Alibaba… "Giá than củi ngoài thị trường vào khoảng 15.000 đồng/kg. Than không khói sử dụng tiết kiệm hơn than củi khoảng 20% mà giá bán chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, lại thân thiện môi trường nên Hiền nghĩ, sản phẩm R2D có thể cạnh tranh được", cô chủ trẻ này kỳ vọng.

Lê Minh Hồng Phúc (29 tuổi) quyết định khởi nghiệp với sản phẩm tỏi đen bằng việc lên men tỏi "cô đơn" của đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) từ năm 2016. "Quá trình làm tỏi đen, quan trọng nhất là ở các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và áp suất. Những mẻ sản phẩm đầu tiên lần lượt ra đời nhưng đều thất bại do bốc mùi hôi và bị thối, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn. Suốt quãng thời gian dài cùng hàng trăm lần thay đổi công thức, nhóm nghiên cứu của tụi mình mới công bố hoàn thiện quy trình lên men tỏi mang tên "bóng đèn và ly nước", xử lý lên men tỏi từ 40 đến 60 ngày mà không sử dụng hóa chất và phụ gia", Phúc cho biết.

Từ làm thủ công với công suất chỉ 50 kg tỏi đen/mẻ trong hai tháng, Phúc cùng các cộng sự đã nghiên cứu chuyển sang sản xuất công nghiệp, nâng công suất lên một tấn/mẻ (hai tháng). Hiện, sản phẩm được phân phối ở cả kênh bán hàng truyền thống, hiện đại và xuất khẩu sang các nước Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Thái-lan… với tổng sản lượng từ 2,4 đến 5,4 tấn/tháng. Chia sẻ về công việc hiện nay, Lê Minh Hồng Phúc cho rằng mình không hối tiếc khi quyết định bỏ công việc với mức lương 30 triệu đồng/tháng để cùng những người bạn chung chí hướng sáng tạo và hành động với mục tiêu "vì sức khỏe cộng đồng, mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới"…

Ba cô gái trẻ Nguyễn Thị Hiếu, Lê Thị Hiền và Lê Minh Hồng Phúc là những người khá tiêu biểu cho giới trẻ ở thành phố dám nghĩ, dám làm. Ở họ, khởi nghiệp là sự bắt đầu cho cả quá trình lập thân, lập nghiệp. Do vậy, họ đã có sự cân nhắc, suy tính kỹ lưỡng về sản phẩm của mình làm ra, chứ không đơn thuần chỉ là làm theo phong trào.