Những “mắt thần” trên đường phố

Thời gian qua, nhiều cơ quan chức năng, người dân đã đầu tư lắp đặt hàng chục nghìn ca-mê-ra giám sát trên các tuyến đường, khu vực dân cư. Việc lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý đô thị, hỗ trợ phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm.

Ca-mê-ra giám sát lắp đặt tại hẻm 123, đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9.
Ca-mê-ra giám sát lắp đặt tại hẻm 123, đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9.

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Đầu tư hệ thống giám sát an ninh trật tự (ANTT) được các cơ quan chức năng, người dân chú trọng vì hiệu quả mang lại rõ rệt. Các “mắt thần” tại mỗi vị trí lắp đặt đều đã phát huy được tính năng để hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Công an thành phố đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các hệ thống ca-mê-ra giám sát ANTT giúp các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu để thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, về hạ tầng để Công an thành phố triển khai hoàn thành các dự án đầu tư hệ thống kỹ thuật giám sát ANTT trên địa bàn thành phố. Tại các địa phương, việc lắp đặt ca-mê-ra giám sát ANTT tại khu dân cư được người dân đồng tình, ủng hộ.

Hiện, có 305 trong tổng số 322 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện ở thành phố đã vận động lắp đặt 28.622 ca-mê-ra xã hội hóa giám sát ANTT với kinh phí hơn 149 tỷ đồng. Hệ thống này được kết nối về trụ sở công an phường, xã, thị trấn và phân công cán bộ trực ban kết hợp với bảo vệ dân phố theo dõi, giám sát màn hình ca-mê-ra. Khoảng 5 năm gần đây, qua các hệ thống ca-mê-ra giám sát và ứng dụng mạng xã hội, người dân đã cung cấp hơn 1.200 tin báo có giá trị liên quan đến ANTT giúp lực lượng công an xử lý, khám phá gần 870 vụ, bắt giữ nhiều đối tượng và giải quyết nhiều vụ việc liên quan ANTT, góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự chung trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Ngọc Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố 1, khu phố 1, phường Phước Long B, quận 9 cho biết, nhờ lắp đặt ca-mê-ra từ cách đây 5 năm mà tình hình an ninh khu phố ổn định hơn; các loại tội phạm “né” ca-mê-ra được kết nối với công an phường cho nên ít “lui tới” khu phố này. Nhờ có ca-mê-ra mà việc bảo vệ môi trường tại địa bàn chuyển biến tốt hơn.

Cũng nhờ những “mắt thần” được lắp đặt mà tình hình ANTT trên địa bàn phường 12, quận Gò Vấp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Là khu vực đông dân cư, nhiều thành phần cư ngụ cho nên phát sinh nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời cũng là tác nhân phát sinh nhiều tệ nạn xã hội và phạm pháp hình sự. Năm 2013, Công an phường 12 đề xuất lắp đặt ca-mê-ra trên một số tuyến đường, khu vực dân cư. Nhờ đó, những sự việc phát sinh trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển đến cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Với hơn 400 ca-mê-ra được trang bị, tích hợp theo dõi tại công an phường đã góp phần chuyển hóa địa bàn vốn phức tạp, giúp người dân yên tâm hơn, tệ nạn xã hội trên địa bàn cũng giảm nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc triển khai lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ để những “mắt thần” phát huy tốt nhất tính năng. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, dù đã có quy định, nhưng do nguồn lực của địa bàn cơ sở khác nhau, dẫn đến việc đầu tư, bảo trì, vận hành, quản lý hệ thống ca-mê-ra giám sát an ninh chưa thống nhất về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật (đầu ghi hình, chủng loại, ca-mê-ra, tốc độ đường truyền,…). Các hệ thống ca-mê-ra giám sát đầu tư từ ngân sách nhà nước do nhiều đơn vị tiến hành theo từng nhiệm vụ được phân công, dẫn đến số lượng ca-mê-ra nhiều nhưng yếu tố kỹ thuật chi phối dẫn đến không thể tích hợp, khai thác phục vụ cho mục đích bảo đảm ANTT. Trong khi đó, các ca-mê-ra lắp đặt từ nguồn xã hội hóa cũng “mỗi nơi mỗi kiểu” cho nên không đồng bộ về thông số kỹ thuật (thời gian lưu trữ, chất lượng hình ảnh không cao…). Điều này khi tích hợp vào hệ thống giám sát chung của thành phố khó đạt được hiệu suất cao như yêu cầu.

Với Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, thành phố đã và đang triển khai nhiều chương trình, phần việc liên quan. Một trong những công việc đó là triển khai lắp đặt hệ thống ca-mê-ra thông minh, tích hợp nhiều tính năng để hỗ trợ xử lý các vấn đề trong đời sống đô thị.

Tại quận 1, quận 12,… hàng trăm ca-mê-ra đã được lắp đặt nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý các tình huống phát sinh, điều khiển giao thông, chống các hành vi gây rối trật tự công cộng. Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 ca-mê-ra giám sát giao thông có thể phân tích, xử lý các vấn đề như: Giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm, tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cũng đề xuất lắp đặt khoảng 10 nghìn ca-mê-ra giám sát trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2025 nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị, giám sát ANTT và phục vụ cho các công tác trong quá trình triển khai xây dựng đô thị thông minh.