Nhiều tiêu chí, ưu đãi đầu tư trong xử lý chất thải rắn

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) TP Hồ Chí Minh tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đăng ký đấu thầu xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện. Để thu hút đầu tư, thành phố tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp tham gia bằng các chính sách ưu đãi hấp dẫn nhất...

Ngoài chôn lấp, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác vẫn sử dụng lò đốt công suất thấp (không phát điện) để xử lý rác.
Ngoài chôn lấp, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác vẫn sử dụng lò đốt công suất thấp (không phát điện) để xử lý rác.

Đến nay, Sở TN-MT thành phố đã tổng hợp xong ý kiến của một số bộ, ngành có liên quan như: Bộ TN và MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện, trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở tổ chức đấu thầu. Để đẩy nhanh tiến độ, Sở TN và MT thành phố đã công bố một số tiêu chí cơ bản bước đầu để các nhà đầu tư quan tâm làm căn cứ thực hiện và nộp hồ sơ báo cáo đầu tư dự án tham gia vào danh sách đấu thầu chọn nhà đầu tư xử lý rác cho thành phố.

Theo Sở TN và MT thành phố Hồ Chí Minh, dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện kêu gọi đầu tư đợt này có công suất 1.000 tấn/ngày, đơn giá xử lý không quá 21 USD/tấn, loại rác tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt của thành phố chưa qua phân loại. Các nhà đầu tư phải cam kết và chấp thuận điều kiện ràng buộc hợp đồng về bảo đảm thiết bị, máy móc mới 100%, cung cấp hồ sơ thông số kỹ thuật, đời sản xuất, tuổi thọ… của thiết bị, máy móc; yêu cầu bảo đảm vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn liên tục trong thời gian bảo hành, sửa chữa hoặc gặp sự cố…Thành phố sẽ ưu tiên cho những nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện đầu tư và vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất hơn 1.000 tấn/ngày.

Thành phố cũng đưa ra các tiêu chí về công nghệ, vận hành. Theo đó, ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7. Có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt. Thiết kế mô-đun bảo đảm khối lượng trong trường hợp khối lượng rác vượt 1.000 tấn/ngày. Có phương án tiêu thụ điện năng và sản xuất điện năng. Bắt buộc tỷ lệ chất thải rắn thứ cấp phát sinh từ lò đốt rác dưới 10%. Ưu tiên các công trình trực tiếp tiếp nhận rác, tất cả các hạng mục có phát sinh mùi đều phải có thiết kế bảo đảm kín. Ưu tiên nhà đầu tư cam kết đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực địa phương, hỗ trợ độc hại cho cư dân địa phương…

Theo thông báo của Sở TN và MT thành phố, hồ sơ báo cáo đầu tư dự án ban đầu của các nhà đầu tư sẽ được phối hợp cùng các sở, ngành (Tổ công tác liên ngành thẩm định các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố) xem xét từng hồ sơ dự án và có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ nhằm đáp ứng yêu cầu tham dự thầu chính thức theo quy định của Luật Đấu thầu và các Nghị định hướng dẫn liên quan.

Đại diện Sở TN và MT thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, sở sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn được nhà tư vấn đủ năng lực; mong muốn có sự tham gia của các liên danh quốc tế với tư vấn trong nước, vừa am hiểu về công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, vừa nắm rõ các quy định về đầu tư, đấu thầu trong nước. Việc đấu thầu lựa chọn tư vấn này sẽ ưu tiên tính cạnh tranh, công khai, minh bạch nhằm thu hút tất cả các nhà đầu tư tham gia…

Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào khoảng 8.700 tấn. Trong đó, 76% lượng chất thải rắn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; 14,7% compost - tái chế nhựa; 9,3% đốt không phát điện. Mục tiêu đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh kéo giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống còn 50%, đến năm 2025 còn 20%.

Vào tháng 7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã công bố danh mục Dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn thành phố. Đây là những dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư với tổng chi phí thực hiện khoảng 4.370 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng hai nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mỗi nhà máy có công suất 1.000 tấn/ngày (kết hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế). Dự kiến năng lượng thu được từ đốt rác phát điện trong giai đoạn 2020 - 2021 là 98 MW, đến 2025 là 138 MW và đến 2030 có thể lên đến 198 MW.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải bằng công nghệ này, thành phố đã đưa ra một số ưu đãi như miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra với giá 2.114 đồng/kW giờ; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước...) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác…