Người dân sau tái định cư chưa... an cư

Các hộ dân tái định cư (TĐC) đều chung niềm vui khi được ở trong những căn hộ cao ráo, sạch sẽ. Song, niềm vui của họ chưa trọn vẹn bởi còn quá nhiều lo toan cho cuộc sống. Điều này, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền liên quan cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chăm lo cho người dân sau khi TĐC để giúp họ thật sự an cư, lạc nghiệp.

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà người dân tái định cư tại chung cư Tân Mỹ (quận 7).
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà người dân tái định cư tại chung cư Tân Mỹ (quận 7).

Còn lắm vất vả

Gia đình bà Châu Mỹ Lệ vẫn còn nhiều nỗi lo về công ăn việc làm sau khi đã TĐC tại chung cư Tân Mỹ, quận 7. Chồng và con trai bà Lệ chạy xe ôm nên họ không còn cách nào khác là hằng ngày phải lặn lội về quận 8 để tìm những "mối" cũ. Trước đây, họ chạy xe ôm gần nhà, buổi trưa có thể tạt về ăn cơm, tranh thủ nghỉ ngơi và chia sẻ việc nhà. Còn bây giờ, do khoảng cách khá xa, hai thành viên trong gia đình phải chịu cảnh "cơm đường cháo chợ", vạ vật những lúc ế khách. Cùng cảnh "ly tán" sau khi TĐC, bà Tăng Ngọc (chung cư Tân Mỹ) chia sẻ: Cả gia đình 15 người không thể chất chồng trong ngôi nhà 36 m 2 nên gia đình con gái bà phải đi nơi khác thuê nhà trọ. Do không có phương tiện đi lại và để tiện công việc, vợ chồng người em trai cũng thuê nhà ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), để lại bốn đứa con cho bà Ngọc chăm sóc. "Nếu những thành viên trong gia đình kiếm được công việc gần khu vực TĐC thì "đỡ" biết mấy..." - bà Ngọc ao ước như vậy.

Trong khi đó, gia đình anh Lu Thanh Tùng (khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cứ sáng sớm đã phải tất bật chuẩn bị cho một ngày đi làm ngoài đường. Người vợ bồng đứa con bốn tuổi ngồi phía sau, kèm theo đống đồ đạc lỉnh kỉnh chất lên chiếc xe gắn máy do anh cầm lái chạy về khu vực Bệnh viện 30-4 (đường Sư Vạn Hạnh, quận 5). Đến nơi, bé được gửi vào nhà trẻ và người mẹ bắt đầu bươn chải với gánh hàng rong trước cổng bệnh viện. Anh Tùng thì ai kêu gì làm nấy. Tiến sĩ Trần Văn Thận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết, sau TĐC, có 43% tổng số người trên 15 tuổi không có việc làm. Khoảng 57% có việc làm song có đến hơn 76% số người đang làm việc chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật; 36% số người dân TĐC tự tạo việc làm, lao động tự do. Chỉ gần 10% có thay đổi công việc so với trước khi di dời. Điều này cho thấy, quá trình TĐC không mang lại nhiều cơ hội việc làm, không làm thay đổi việc làm của người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của họ. Công việc vẫn như thế nhưng người dân TĐC phải di chuyển một khoảng cách xa hơn so với trước. Thường là họ phải về nơi ở cũ để làm việc, buôn bán, do vậy thu nhập của họ bị giảm.

Cần tiếp tục đồng hành

Về tình trạng nhà ở, 16% cho rằng, chất lượng nhà ở giảm sút do dột, thấm nước, lún nền, ngập. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Thanh Long (ngụ B1.1 khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) là thí dụ điển hình. Ông cho biết, trong căn hộ của gia đình ông, hệ thống cửa phòng đã bị mối ăn rỗng, lung lay rồi rơi hẳn ra ngoài, mất an toàn; thiết bị vệ sinh cũng hỏng, nước máy không bảo đảm vệ sinh...

Trong số 498 hộ vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố khảo sát, có đến 74 hộ (gần 15%) sau TĐC (diện nhận tiền mặt, tự lo chỗ ở) có nhà đang ở nằm trong khu quy hoạch, một số hộ do tiền đền bù thấp nên chấp nhận mua rẻ lại nền hoặc nhà đang nằm trong khu quy hoạch treo. "Người dân không được định hướng? Hay họ không đủ tiền mà lại rơi vào cảnh phải mua đất ở những nơi đang quy hoạch treo? Cần phân tích rõ và đề xuất với Nhà nước, nói rõ cho người dân biết để tránh rơi vào tình trạng "bấp bênh kép" - bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia của Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi thành phố đề nghị.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, hiện nhiều quận, huyện khi đã hoàn thành việc bồi thường xem như là... xong trách nhiệm. Người dân nhận tiền rồi, họ đi đâu, chính quyền không biết. Trong khi đó, việc di dời, giải tỏa, TĐC không đơn giản chỉ là việc di dời ngôi nhà, mà còn là những thay đổi hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu của người dân (việc làm, học hành, đi lại, y tế, thu nhập...). Bất kể người dân TĐC chọn lựa phương án đền bù, hỗ trợ thế nào thì điều kiện sống của họ cũng bị đảo lộn và chịu nhiều tổn thất. Vì thế, các quận, huyện và thành phố cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thiết thực hơn với người TĐC.