Ngân mãi tiếng đờn,  lời ca tài tử

Ngân lên tiếng đờn, lời ca bằng cả sự say mê và một tình yêu nồng cháy, những bậc cao niên cảm thấy như trẻ hơn ở tuổi xế chiều. Tình yêu ấy đã lan truyền sang nhiều bạn trẻ, tạo nên sự trường tồn của nghệ thuật đờn ca tài tử (ÐCTT) ở vùng đất Nam Bộ nói chung và ở TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Một buổi sinh hoạt của CLB Ðờn ca tài tử Ánh Sao Mai.
Một buổi sinh hoạt của CLB Ðờn ca tài tử Ánh Sao Mai.

Ðam mê của người già

Căn nhà của ông Năm Châu ở đường Chánh Hưng (huyện Bình Chánh) nhiều năm nay đã trở thành điểm sinh hoạt thường xuyên của hơn 30 tài tử cao tuổi. Từ khắp các quận, huyện trong thành phố sum họp về đây, các tài tử đờn, ca được thỏa chí đam mê trong một không gian mộc mạc, ấm cúng. Theo cách nói của tài tử Châu Bá Hải, tại đây không dềnh dang về hình thức, chỉ có sự đồng điệu, tri âm của những người mê ÐCTT thuần khiết. Ông Năm Châu chủ nhà, dù đã vào tuổi 90 nhưng vẫn tựa lưng lẩy nguyệt cầm thánh thót, mê hồn. Theo nhiều "bạn" tài tử của ông, có lẽ nhờ tiếng đờn mà ông vẫn giữ được sự thư thái, yêu đời ở độ tuổi "xưa nay hiếm".

Nhạc sĩ Tấn Nhì, một "cây đa, cây đề" trong cộng đồng ÐCTT ở TP Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm vừa qua, được đồng nghiệp, bạn tài tử, học trò... cảm phục, đánh giá cao không chỉ về tài năng, học thuật mà còn vì lòng nhiệt tâm, sự say mê của ông dành cho ÐCTT. Ở tuổi 79, lại vừa qua cơn tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn, vậy mà đều đặn tuần hai buổi, ông đều đến đây để được thăng hoa cùng chiếc đờn cò. Tiếng đờn của ông ngân lên réo rắt, mê đắm lòng người. Ông chơi đờn bằng sự rung động thiết tha và cả sự nghiêm túc trau dồi. Ông tâm sự: "ÐCTT mênh mông, sâu sắc lắm, chơi cả đời chưa thấu hết. Do vậy, khi đã chơi thì phải biết khám phá, giữ gìn".

Cũng đã ở tuổi "xưa nay hiếm", ông Sáu Thuốc (87 tuổi) là một tay sến cầm nổi danh, nhiều năm đờn cho các đoàn nghệ thuật cải lương. Không còn "bay nhảy" như thời còn trẻ, nhưng tiếng đờn, lời ca của ông vẫn cứ mê mẩn lòng người. Còn ông Bẩy Hưng, dù đã 73 tuổi nhưng giọng hát vẫn còn rất ngọt. Ông Bẩy Hưng là Việt kiều

Ô-xtrây-li-a, học và biết ÐCTT trên đất Ô-xtrây-li-a. Ông kể, hồi ở nước ngoài tìm được tụ điểm chơi ÐCTT khó lắm, có khi phải đi chặng đường hàng nghìn km từ Men-bơn tới Sit-ny. Càng chơi, tôi càng tìm tòi lại thấy tiết tấu, âm vần của ÐCTT có sức hút đến kỳ lạ. Giờ đây về nước, trú ở quận 4, ông Bẩy Hưng lại tiếp tục đeo đuổi thú đam mê với dòng nhạc cổ của dân tộc.

Nhiều tài tử khác như Thanh Thúy Quách Tĩnh chơi thập lục huyền cầm, chơi lục huyền cầm, rồi tài tử ca Châu Bá Hải, Ðông Mai, Chí Bình... cũng đã hội tụ tại nhà ông Năm Châu để tìm những tri âm, tri kỷ, tìm đến với một thú chơi tao nhã.

Tuổi trẻ tiếp bước

Ánh Sao Mai là Câu lạc bộ (CLB) ÐCTT còn khá mới mẻ, tập hợp những bạn trẻ mê đờn, say tiếng ca tài tử. Mỗi người một việc và điểm chung giữa họ là sự đam mê ca hát, nhiệt huyết tạo ra một sân chơi ÐCTT cho những bạn trẻ từ khắp các vùng, miền của đất nước đang sinh sống, làm việc tại thành phố.

Sự ra đời của CLB Ánh Sao Mai cũng là tâm nguyện của Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Mai, người tham gia CLB với vai trò cố vấn. Là người miền bắc, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Mai lại nổi danh và say đắm với những điệu ca tài tử, cải lương Nam Bộ. Những năm gần đây, khi tham gia Ban giám khảo cuộc thi "Bông lúa vàng" của Ðài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, bà thường chú ý đến những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng say mê ÐCTT. Không ít lần bà đã giúp đỡ thí sinh, lúc thì tiền xe đi lại, khi thì bỏ công dìu dắt âm điệu, lời ca. Nay, có CLB Ánh Sao Mai, bà lại đưa các em về trau dồi, sinh hoạt. Bà được nhiều tài tử trẻ tuổi thân thiện gọi là "má" Mai. Nghệ sĩ Ngọc Mai vui vẻ cho biết: "Tôi rất vui vì mình được chia sẻ đam mê, góp phần công sức nhỏ bé dìu dắt những bạn trẻ kế cận, đeo đuổi nghệ thuật ÐCTT."

Ðịnh kỳ mỗi tháng hai buổi, những thành viên của CLB Ánh Sao Mai lại quây quần về đình Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh) để cùng hòa chung tiếng đờn lời ca. Nơi đây là tổ ấm nuôi dưỡng niềm đam mê của những bạn trẻ đam mê nghệ thuật ÐCTT.