Nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường

56 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối phục vụ phát triển, cải thiện chất lượng sống các tầng lớp dân cư theo từng nhóm tiêu chí, thì việc nâng cao chất lượng môi trường nhằm bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn đang được các xã tích cực triển khai thực hiện...

Dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên huyện Củ Chi ra quân trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường.
Dân quân tự vệ và đoàn viên thanh niên huyện Củ Chi ra quân trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, ở giai đoạn đầu thực hiện Đề án xây dựng NTM, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra. Nhiều phần việc cụ thể đã được triển khai như trang bị thùng rác công cộng; tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi, sản xuất được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải, rác thải, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, giảm phun xịt thuốc và nói không với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm giảm đến mức thấp nhất suy thoái môi trường... đã khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Tại huyện Bình Chánh, từ năm 2015 đã triển khai thực hiện đề án thu gom rác thải và chất thải. Sau hai năm, tình trạng ô nhiễm môi trường đã bước đầu được cải thiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã thuộc huyện Bình Chánh cũng còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nông dân. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh Lê Quang Minh cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí về môi trường tại xã còn hạn chế là do việc xả thải của các cụm công nghiệp làm cho mặt nước các tuyến kênh, rạch có mầu và bốc mùi ảnh hưởng đến các loài thủy sinh và đời sống người dân.

Để xử lý nước và rác thải của đàn bò sữa 40 con, hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi đã xây dựng hầm biogas và xử lý chất thải theo phương pháp sinh học. Ông Sơn cho biết, hầm biogas vừa chứa được chất thải từ heo và bò, vừa tạo ra chất đốt cho sinh hoạt và sau thời gian ngắn, sử dụng chất thải này bón cho cây trái vừa tiết kiệm chi phí chất đốt, vừa giảm được chi phí phân bón. Tuy nhiên, cái được lớn nhất mà ông Sơn và nhiều hộ chăn nuôi khác ở huyện Củ Chi khi đầu tư hầm biogas là giữ được tình làng nghĩa xóm vì các hộ lân cận không còn than phiền về mùi hôi và ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết thêm, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn về môi trường cho hộ nông dân. Các ngân hàng có chi nhánh tại huyện cũng đã giải ngân để giúp gần 90% số hộ chăn nuôi xây dựng hầm xử lý nước thải, đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Củ Chi đã đặt 1.050 thùng rác công cộng, gần 3.000 thùng rác tại gia đình và khu vực đầu hẻm; toàn huyện có gần 85% số hộ dân ký hợp đồng thu gom rác... Huyện cũng đã xử phạt 89 đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Huyện Củ Chi luôn nhất quán chủ trương không chấp nhận các dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu trên địa bàn huyện.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân, thách thức trực tiếp và làm chậm tiến trình áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn cũng như nâng cao chất lượng tiêu chí về chất lượng môi trường theo hướng bền vững...

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Trần Trường Sơn, ngoài việc khuyến khích các hộ nông dân áp dụng kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch, xử lý tốt nước thải, chất thải tại gia đình, yếu tố quan trọng hàng đầu để giảm ô nhiễm môi trường vẫn là ý thức của người dân. Vẫn còn không ít hộ trông chờ ỷ lại vào chính quyền trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố xem công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và có hành động đúng với môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội; xem tiêu chí môi trường là điều kiện cơ bản để xét thi đua và công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và gia đình văn hóa tại cộng đồng dân cư.

Về mặt quản lý nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố danh sách công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư để cưỡng chế di dời hoặc khuyến khích thay đổi sản xuất cho phù hợp thực tế. Đây là điều bức bách của thành phố trong bảo vệ môi trường và xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn.