Lỗ hổng trách nhiệm tại các công trình xây dựng mất an toàn

Sự cố sập cần cẩu tại dự án Topaz Elite (đường Tạ Quang Bửu, quận 8) một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng. Ngoài những thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động tại các công trình, còn có nguyên nhân là do chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu cố tình phớt lờ các quy định về an toàn lao động.

Một vụ sập cần cẩu tại dự án căn hộ cao cấp trên đường Điện Biên Phủ, quận 10. Ảnh: ĐỨC TIẾN
Một vụ sập cần cẩu tại dự án căn hộ cao cấp trên đường Điện Biên Phủ, quận 10. Ảnh: ĐỨC TIẾN

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân sinh sống bên cạnh dự án Topaz Elite (do Vạn Thái Land làm chủ đầu tư) vẫn chưa hết lo lắng sau sự cố sập cần cẩu chiều ngày 5-6. Biên bản ghi nhận hiện trường của Thanh tra Sở Xây dựng thành phố cho thấy, chiếc cần cầu bị gãy ngang tại vị trí tầng 10 dự án, phần tay đòn của cần cẩu dài khoảng 20 m nằm vắt trên phần ngọn công trình. Bên dưới là con hẻm thông với đường Tạ Quang Bửu với số lượng dân cư đông đúc. Một số hộ dân có nhà bên phía cần cẩu bị sập đã phải di tản, không dám ngủ trong nhà. Mặc dù sau khi sự cố xảy ra, thanh tra xây dựng đã đình chỉ thi công dự án nhưng người dân vẫn rất hoang mang về việc bảo đảm an toàn lao động của chủ đầu tư. Bởi, vào tháng 3-2017, tại công trình dự án Topaz Home (cũng liên quan đến Vạn Thái Land) nằm trên đường Phan Văn Hớn (quận 12) cũng xảy ra sự cố sập cần cẩu khiến ba người bị thương.

Ngoài sự cố nêu trên, trước đó không lâu, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản xử phạt hành chính, tạm ngừng thi công, yêu cầu khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư dự án D'Edge Thảo Điền (đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2) do xây dựng mất an toàn, gây nứt, sụt lún nhà dân khu vực chung quanh dự án. Theo Sở Xây dựng, Công ty TNHH Capitaland đã tổ chức thi công xây dựng nhưng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình. Công trình đã gây lún, nứt các công trình lân cận. Cuối năm 2017, tại công trình xây dựng nhà cao tầng tại đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh) cũng xảy ra sự cố sập cần cẩu. Nguyên nhân được xác định là do công nhân thi công tháo dỡ cần cẩu đã để xảy ra sự cố. Trước đó, hàng loạt vụ sập cần cẩu hay cả bức tường của một công trình xây dựng gây ra những tai nạn đáng tiếc cướp đi tính mạng của những người sống chung quanh, hoặc thậm chí tình cờ đi ngang qua, cũng không phải là hiếm.

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội), TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 địa phương đứng đầu cả nước vì có nhiều người chết do tai nạn lao động. Theo đó, trong năm 2017, thành phố xảy ra 1.492 vụ tai nạn lao động làm 123 người chết, 306 người bị thương nặng. Trong ba tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 15 vụ tai nạn làm chết người. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng. Đó là các trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân...

Ông Hồ Anh Tuấn, đại diện Phòng Quản lý Chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thừa nhận, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng các công trình xây dựng đang thi công để xảy ra tai nạn. Công tác quản lý nhà nước về xây dựng, an toàn lao động, quản lý chất lượng công trình xây dựng, trật tự xây dựng đô thị còn chưa thực hiện chặt chẽ, đồng bộ; còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng tính mạng, tài sản người dân. Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ nguyên nhân khiến công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động chưa thật sự tốt là do chế tài xử lý chưa thật nghiêm, ít truy cứu hình sự với những vụ vi phạm nghiêm trọng cho nên chưa có tính răn đe. Tính chung cả nước, năm 2017 chỉ có ba vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra, quá ít so với số vụ tai nạn lao động diễn ra trên thực tế. Mặt khác, qua tìm hiểu cho thấy, để kiểm soát, ngăn ngừa những vi phạm an toàn lao động tại các công trình, từ năm 2016, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẳng định rõ, các cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị quản lý công trình xây dựng, UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy trên công trường xây dựng đang thi công. Tuy nhiên, trên thực tế, những năm qua, mặc dù các vụ tai nạn lao động tại các công trình thường xuyên gia tăng, nhưng vẫn chưa có thủ trưởng các đơn vị quản lý nào phải chịu trách nhiệm.

Để nâng cao hiệu quả an toàn lao động tại các công trình, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, phải truy tố trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị thi công công trình khi xảy ra sự cố nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nếu thiếu kiểm tra, giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về hành chính. Nguyên nhân dẫn đến chưa bảo đảm an toàn xây dựng tại các công trình hiện nay là do các đơn vị thi công chưa thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các quy định dẫn đến dư luận thì bức xúc, nhưng chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp rõ ràng.