Lắp ca-mê-ra trong trường mầm non

Trước tình trạng bạo hành trẻ em tại một số cơ sở giáo dục mầm non thời gian qua, năm học 2018-2019, TP Hồ Chí Minh sẽ thí điểm lắp đặt ca-mê-ra tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, 12 và huyện Hóc Môn trước khi triển khai tới các quận, huyện còn lại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và giáo viên.

Năm học mới 2018 - 2019, các cơ sở mầm non tại TP Hồ Chí Minh sẽ được thí điểm lắp ca-mê-ra quản lý.
Năm học mới 2018 - 2019, các cơ sở mầm non tại TP Hồ Chí Minh sẽ được thí điểm lắp ca-mê-ra quản lý.

Khi nghe đến kế hoạch thí điểm lắp đặt ca-mê-ra tại hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (quận 1) vui mừng cho biết, nếu như các lớp học gắn ca-mê-ra, được tận mắt thấy cách các cô nuôi dạy trẻ, xem con mình vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi như thế nào là điều mà nhiều gia đình mong muốn. Còn anh Lê Tấn Tài ở quận 1 cho biết, việc thành phố cho lắp đặt ca-mê-ra tại các cơ sở giáo dục mầm non tại quận 1 là một tín hiệu đáng mừng, giúp nhà trường và gia đình có chung tiếng nói, giáo dục, chăm sóc trẻ tốt hơn.

Xuất phát từ những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian qua, tháng 4-2018, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) thành phố cùng các sở liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm việc lắp đặt ca-mê-ra tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và công lập trên địa bàn. Cuối tháng 5, Sở GD-ÐT thành phố đã có văn bản báo cáo UBND thành phố, đồng thời đưa ra lộ trình năm học 2018-2019 thực hiện thí điểm ở quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn. Ðến năm học tiếp theo sẽ thực hiện đại trà ở các quận, huyện. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu, việc lắp đặt ca- mê-ra là để nâng cao hiệu quả quản lý, quan sát và theo dõi việc tổ chức các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại lớp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ trẻ em, giáo viên và hỗ trợ bảo đảm an ninh tại cơ sở giáo dục. Theo đại diện Phòng GD-ÐT quận 12, quận đã chỉ đạo thực hiện lắp đặt ca-mê-ra tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo kế hoạch thí điểm của thành phố. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết giáo viên và phụ huynh đều đồng thuận. Hiện, quận 12 đạt 80% số trường mầm non thực hiện gắn ca-mê-ra trong lớp học, còn lại là lắp đặt ngoài lớp học. Trong thời gian tới, quận sẽ vận động toàn bộ các trường gắn ca-mê-ra trong lớp. Ðặc biệt, nhờ vào phần mềm quản lý mầm non ngoài công lập chạy trên website của UBND quận 12, người dân sẽ được thông tin một cách công khai, đầy đủ về địa chỉ, quy mô trường, lớp, điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số, trình độ giáo viên… Ðiều này, giúp mọi người có thể vừa tương tác, phản ánh trực tiếp về chất lượng hoạt động, vừa biết được chất lượng của từng trường. Như vậy, gắn ca-mê-ra cũng là một phần nâng cao chất lượng, giúp các cơ sở hướng đến thực hiện đồng bộ các hoạt động giáo dục nhằm thu hút người dân gửi trẻ.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc lắp đặt ca-mê-ra tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhiều giáo viên lại cho rằng, họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc trong lớp học có gắn ca-mê-ra. Hiệu trưởng một trường mầm non ở huyện ngoại thành thành phố, cho biết: Ðể bảo đảm an ninh, trường đã lắp đặt ca-mê-ra trong khuôn viên trường học, còn việc lắp trong lớp học thì trường chưa nghĩ tới. "Ðiều đó chỉ tạo thêm áp lực cho giáo viên. Việc lắp ca-mê-ra cho thấy niềm tin của phụ huynh vào ngôi trường không còn như trước. Khi niềm tin nhường chỗ cho các thiết bị công nghệ, điều đó đồng nghĩa với sự tôn trọng bị giảm xuống, ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ trong nhà trường", một hiệu trưởng nói. "Trước thông tin sẽ lắp ca-mê-ra tại lớp học, tôi thấy buồn và thương cho cái nghề của mình. Hơn nữa, ca-mê-ra cũng không giải quyết tận gốc vấn đề bạo hành. Ðiều quan trọng là sự toàn tâm, toàn ý của người giáo viên và việc điều hành, quản lý của hiệu trưởng", một giáo viên bày tỏ.

Về mục đích của việc làm nêu trên, Chánh Văn phòng Sở GD-ÐT thành phố Ðỗ Minh Hoàng, cho hay, việc lắp đặt ca-mê-ra có mục đích lớn nhất là giúp hiệu trưởng các trường mầm non công lập và ngoài công lập giám sát hoạt động giáo dục, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai sót và truy xuất khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tin tưởng các giáo viên mầm non, tạo cho các cô môi trường làm việc tốt, có bản lĩnh nghiệp vụ sư phạm đúng mực… từ đó mới giải quyết tận gốc vấn đề bạo lực trẻ em. Còn theo một chuyên gia giáo dục, lắp ca-mê-ra được xem như một biện pháp phòng ngừa bạo hành trẻ em, song đây chưa hẳn là một giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế các hành vi xâm hại học sinh. Nhiều vụ việc cho thấy, nơi học sinh bị đánh đập, chửi mắng là trong nhà vệ sinh, ngoài hành lang… những chỗ này không có ca-mê-ra. Do đó, để quản lý tốt hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm trước những vi phạm để làm gương. Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức cho giáo viên, bảo mẫu và nhân viên tại các cơ sở giáo dục.